Chính trị

Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 6: Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó giao thông

07/11/2023, 06:10

Đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng là tư lệnh ngành nhận được nhiều câu hỏi nhất.

Hàng loạt các chất vấn về cao tốc, xã hội hóa đầu tư giao thông, an toàn giao thông… đang là vấn đề nóng tại nhiều địa phương được bộ trưởng trả lời tường tận, có giải pháp.

Sẽ nâng tốc độ, mở rộng cao tốc hai làn xe

Chiều 6/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn thứ hai với phần trả lời chất vấn của bộ trưởng các bộ thuộc nhóm lĩnh vực: Công thương, NN&PTNT, GTVT, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Trong đó, GTVT là lĩnh vực được nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn nhất.

Nêu thực tế một số tuyến cao tốc hoàn thành chỉ cho phép chạy tối đa 80km/h, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian tới có điều chỉnh hay không.

Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 6: Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó giao thông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 6/11. Ảnh: PV.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế cao tốc với 4 giới hạn tốc độ: 120km/h, 100km/h, 80km/h và 60km/h. Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu tuyến đường được đầu tư đồng bộ thì tốc độ có thể lên tới 120km/h như Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, Cầu Giẽ - Ninh Bình; hoặc tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ 100km/h.

Thủ tướng Chính phủ trả lời cuối phiên chất vấn

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 6-8/11). Khác với kỳ họp trước khi Quốc hội chất vấn theo nhóm vấn đề nóng, kỳ này các bộ trưởng được chất vấn việc thực hiện lời hứa theo 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, XV.

Sau nội dung trả lời chất vấn của lãnh đạo các bộ, ngành, từ 9h50 đến 11h ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

"Vừa qua, Bộ đã rà soát tiêu chuẩn và thấy rằng các tuyến đang quy định tốc độ tối đa 80km/h có thể nâng lên 90km/h. Dự kiến đầu năm 2024 sẽ thực hiện", Bộ trưởng thông tin.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) về giải pháp với một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, cao tốc hai làn xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua Nhà nước đã dành hơn 375.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống cao tốc, hạ tầng giao thông. Dù vậy, mới đáp ứng hơn 70% nhu cầu. Việc đầu tư hoàn chỉnh trong bối cảnh nguồn lực có hạn là khó khả thi.

Theo Bộ trưởng Thắng, nhiều nước phát triển trên thế giới cũng phải phân kỳ đầu tư cao tốc. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm này, Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư theo nguyên tắc ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với đoạn, tuyến có nhu cầu vận tải lớn như: Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu… Chỉ phân kỳ đầu tư thực hiện ở bề rộng mặt cắt, còn yếu tố kỹ thuật phải đảm bảo để sau này thuận lợi trong việc nâng cấp, giải phóng mặt bằng cần làm một lần cho cả hai giai đoạn.

Tại kỳ họp này, Bộ GTVT cùng Bộ KH&ĐT báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, dùng nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan đang chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Từ điều kiện ngân sách và lưu lượng xe thực tế, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ ngành, địa phương tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội nâng cấp các đoạn tuyến cao tốc 2 làn xe để đồng bộ hạ tầng cao tốc.

Xã hội hóa đầu tư sân bay, sớm làm đường sắt kết nối

Trả lời đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về giải pháp xã hội hóa đầu tư lĩnh vực sân bay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, Quy hoạch mạng lưới sân bay Việt Nam đến 2030 cần ít nhất 400.000 tỷ đồng để hiện thực hóa. Trong khi đó nguồn lực Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện chỉ đáp ứng được 60%.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Hữu Thông về 200km cao tốc qua Bình Thuận không có trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trạm dừng nghỉ không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, vệ sinh, phòng tạm mà nếu biết khai thác sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho vấn đề này chưa có.

Vì vậy, Bộ GTVT vừa thi công các tuyến cao tốc vừa phải chỉ đạo ban hành thông tư hướng dẫn chọn nhà đầu tư, quy mô xây trạm dừng nghỉ; sau đó kêu gọi nhà đầu tư tham gia đấu thầu. 9 dự án của giai đoạn 1 sẽ có trạm dừng nghỉ trong năm 2023, 2024. 15 dự án cao tốc giai đoạn 2 khi khai thác sẽ có đủ trạm dừng nghỉ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

"Cần có chính sách thu hút doanh nghiệp bởi đầu tư vào sân bay khó đảm bảo hiệu quả. Tinh thần là hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng cho biết.

Cho rằng Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra một số tuyến đường sắt kết nối, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị bộ trưởng thông tin về kế hoạch triển khai đầu tư các tuyến này.

Bộ trưởng cho biết, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Cái Mép - Thị Vải. Bộ đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến chi phí đầu tư khoảng 5 tỷ USD, kêu gọi ngân sách và vốn ODA.

Tuyến Long Thành - Thủ Thiêm là đường sắt nhẹ, kết nối sân bay Long Thành và TP.HCM, dự kiến kinh phí khoảng 2,4 tỷ USD. Tuyến này có thể đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Bộ đã lập quy hoạch, đang triển khai thuê tư vấn với tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tổng mức đầu tư khoảng 6,5 tỷ USD đối với đường đơn, đường đôi hoàn chỉnh thì cần khoảng 11-12 tỷ USD.

"Đây là con số rất lớn, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội để kêu gọi, huy động tất cả nguồn lực để triển khai", ông Thắng nói.

Phải thu hút nhà đầu tư PPP bằng chính sách

Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực với các dự án PPP đã được phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, gần đây Bộ GTVT đã kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia dự án PPP. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc thu hút các dự án PPP chưa nhiều, chưa hiệu quả.

Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 6: Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó giao thông - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc).

Nguyên nhân là do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp gặp khó. Lợi nhuận từ đầu tư PPP hạ tầng giao thông đem lại không cao, trong khi có nhiều lĩnh vực doanh nghiệp có thể lựa chọn đầu tư. PPP giao thông có nhiều rủi ro như lưu lượng phương tiện thấp, vòng đời dự án quá dài, khó khăn trong GPMB.

"Quy định về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP chưa hấp dẫn, Nhà nước hỗ trợ cao nhất 50%, trong khi chi phí GPMB rất lớn", bộ trưởng nói và cho biết, cơ chế thu hút nhà đầu tư cần điều chỉnh, cần tách GPMB thành dự án riêng.

Tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ cũng đã trình dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù xây dựng công trình giao thông đường bộ, trong đó quy định nâng tỷ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư khi làm dự án PPP lên mức cao hơn.

Đề nghị Nhà nước mua lại 5 dự án BOT thua lỗ

Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy ban Quốc phòng và An ninh) đề nghị bộ trưởng cho biết thời gian cụ thể để hoàn thành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc này Bộ đã triển khai từ lâu nhưng nhiều vấn đề phức tạp chưa thể tháo gỡ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Bộ GTVT làm rõ bên cạnh 8 dự án của Trung ương, cấp địa phương còn bao nhiêu dự án BOT gặp vướng mắc tương tự.

Hiện chưa quyết định được nguồn vốn để xử lý 8 dự án này, từ tăng thu hay đầu tư công trung hạn. Cả 8 dự án được triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực.

Các dự án không chỉ liên quan nhà đầu tư mà còn cả ngân hàng. Ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư hy sinh lợi nhuận, nhưng nhà đầu tư lại mong muốn ngân hàng hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn.

Theo bộ trưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ, dự kiến sẽ báo cáo nội dung này với Chính phủ trước 15/11, trình Quốc hội tháo gỡ cho 8 dự án BOT này. Bộ đề nghị có 5 dự án Nhà nước mua lại và 3 dự án Nhà nước hỗ trợ.

Phiên chất vấn kết thúc lúc 17h. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục dành 60-70 phút để các đại biểu chất vấn nội dung này.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Bộ trưởng GTVT nắm rất chắc vấn đề

img

Dù mới nhận nhiệm vụ Bộ trưởng hơn một năm nhưng thông qua phần trả lời chất vấn chiều 6/11, tôi thấy bộ trưởng nắm rất chắc công việc trong lĩnh vực mà mình quản lý.

Dù được nhiều đại biểu chất vấn nhất ở nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời rất tường minh với một phong thái đĩnh đạc. Phải sát sao với công việc và nhiệt huyết thì mới tự tin trả lời được như vậy.

Nhiều nội dung như phân kỳ đầu tư cao tốc, tháo gỡ vướng mắc dự án BOT, đảm bảo chất lượng các công trình giao thông, hay tháo gỡ vướng mắc đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông đã được bộ trưởng trả lời với những giải pháp cụ thể.

Tôi thấy hài lòng trước những câu trả lời bằng những giải pháp cụ thể của Bộ trưởng Thắng.

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định):

Giải trình rõ ràng, đi đôi giải pháp

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của đại biểu, cả chất vấn và phản biện. Phần trả lời đi vào thẳng các vấn đề mà các đại biểu, cử tri quan tâm. Điều này khiến tôi hài lòng.

Những vấn đề như quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc; an toàn giao thông nói chung; trạm dừng nghỉ trên cao tốc… đã được bộ trưởng giải trình tường minh. Cái gì chưa làm được, cái gì đã làm được đều được người đứng đầu ngành giao thông giải trình rõ ràng trước Quốc hội.

Tôi ấn tượng với những giải pháp làm sao thu hút được doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án PPP trong lĩnh vực giao thông. Từ việc giải phóng mặt bằng phải đi trước cho đến cơ chế chính sách về tín dụng, vốn trong đầu tư PPP…

ĐBQH Trường Xuân Cừ (Hà Nội):

Tôi ấn tượng với khẳng định của Bộ trưởng

img

Tại phiên chất vấn, các đại biểu quan tâm nhiều đến lĩnh vực giao thông với nhiều nội dung khác nhau. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã trả lời đúng và trúng những vấn đề đại biểu nêu.

Điều này thể hiện Bộ trưởng Thắng nắm chắc những vấn đề của ngành giao thông, đặc biệt là liên quan đến vấn đề xây dựng cao tốc, huy động vốn hay các dự án BOT.

Tôi ấn tượng với khẳng định Bộ GTVT chịu trách nhiệm về chất lượng đường cao tốc ở các dự án đang và sẽ được thi công. Triển khai dự án nhanh là một chuyện nhưng chất lượng cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Từ lời hứa này tôi thấy rằng, chủ trương không vì tiến độ mà coi nhẹ chất lượng trong các dự án giao thông đang được thực hiện nghiêm túc.

P.Đô - T.Trang (ghi)


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.