Xã hội

Quốc hội cho ý kiến về nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng

24/02/2016, 17:55

Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

DSC_0583
Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Trình bày báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.

“Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra” – ông Định nhấn mạnh. Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu ra những hạn chế còn tồn tại trong nhiệm kỳ vừa qua.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá, nội dung của Báo cáo còn nặng tính hành chính và tập trung chủ yếu vào những kết quả đạt được trên các lĩnh vực.

“Báo cáo cần bổ sung nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội; vấn đề thực hiện chủ trương bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; việc thực hiện tách quản lý nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh; việc tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ và đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tinh gọn, hiệu quả” – ông Lý trình bày.

Cũng theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.