Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh có văn bản đề xuất gửi đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải về việc bổ sung dự án cầu Cổ Chiên 2 vào danh mục Nghị quyết đặc thù của Quốc hội.
Cầu Cổ Chiên 2 nối hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre nằm trên tuyến đường ven biển kết nối 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, từ Long An đến Cà Mau.
Theo quy định hiện hành, không cho phép một tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho các dự án qua địa bàn của tỉnh khác. Do vậy, nếu không có cơ chế đặc thù, rất khó triển khai thi công đưa vào sử dụng, từ đó không thể khai thác hiệu quả, đồng bộ toàn tuyến đường ven biển nói trên.
Theo phương án đề xuất của Trà Vinh, cầu Cổ Chiên 2 có quy mô sơ bộ cầu bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng; tải trọng thiết kế HL93; tĩnh không thông thuyền sông cấp đặc biệt; chiều dài cầu khoảng 2.100m. Trong đó, nhịp chính dài khoảng 630m, nhịp dẫn dầm super T dài khoảng 1.470m, mặt cắt ngang bốn làn xe.
Đường dẫn cầu quy mô bốn làn xe, tổng chiều dài 2.800m. Trong đó, đường dẫn phía Trà Vinh dài 1.300m nối vào dự án đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh. Đường dẫn phía Bến Tre dài khoảng 1.500m nối vào dự án đường bộ ven biển Bến Tre.
Cầu Cổ Chiên 2 sẽ hoàn thành cùng thời gian thực hiện xây dựng tuyến đường hành lang ven biển, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2030.
Cầu dự kiến có tổng mức đầu tư 3.300 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương cấp 100% từ nguồn vốn vay nước ngoài.
Việc dự án cầu Cổ Chiên 2 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa rất quan trọng, giúp khai thông các điểm nghẽn trong chính sách đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Khi hoàn thành sẽ tạo ra không gian phát triển mới đối với các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Cổ Chiên 2 sẽ nối xã Long Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh với xã An Quy, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, cách cầu Cổ Chiên hiện hữu khoảng 30km về hạ nguồn sông Cổ Chiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận