Chiều 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, có 458 đại biểu Quốc hội tham gia bấm nút biểu quyết (đạt 94,82%), trong đó có 446 đại biểu bấm nút tán thành thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) (đạt 92,34%), không tán thành 8 và không biểu quyết là 4 ý kiến.
Trước khi bấm nút biểu quyết thông qua toàn văn Luật Đầu tư (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại Điều 6 với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).
Đây là một nội dung đáng chú ý tại Luật Đầu tư (sửa đổi) và tại các phiên thảo luận trước, có nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ là cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen... Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
Cũng trong chiều 17/6, với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, có tổng số 462 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 95,65%), trong đó bấm nút tán thành là 449 (chiếm 92,96%), không tán thành 8 và không biểu quyết là 5 ý kiến.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận