Đường thủy

Quy định mới về hoạt động phương tiện thủy giữa Việt Nam - Campuchia

07/07/2023, 07:00

Bộ GTVT ban hành Thông tư quy định phạm vi hoạt động của phương tiện theo Hiệp định vận tải thủy giữa Việt Nam - Campuchia, hiệu lực từ 1/9.

Theo quy định mới, trên tuyến hồ Tonle Sap, phương tiện thủy được phép hoạt động từ Chong Kneas đến Kampong Chhnang và từ Kampong Chhnang đến Phnom Penh.

Tuyến sông Mekong, phương tiện được phép hoạt động từ Phnom Penh đến cửa khẩu quốc tế đường thủy Kaom Samnor/Vĩnh Xương hoặc KohRoka/Thường Phước và từ Kampong Cham đến Phnom Penh.

img

Thông tư 13 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định mới về phạm vi hoạt động của phương tiện thủy trên các tuyến theo Hiệp định Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương với Campuchia, thuộc tỉnh An Giang

Phương tiện thủy của Campuchia khi vào Việt Nam không được phép vận tải hàng hóa hoặc hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Việt Nam.

Theo đó phương tiện thủy của Campuchia được phép hoạt động trên 38 tuyến thủy trên sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, sông Sài Gòn, sông Vàm Nao, sông Cần Giuộc; trên các kênh Tân Châu, Tháp Mười số 1, Thủ Thừa, Đôi, Tẻ, Chợ Gạo, Nước Mặn, Cây Khô, Tri Tôn - Hậu Giang; trên rạch Ông Lớn, rạch Giá - Hà Tiên...

Trong phạm vi tuyến đường thủy và cảng, bến, cụm cảng được quy định tại Thông tư mới, phương tiện thủy của Việt Nam và Campuchia có Giấy phép vận tải qua biên giới được thực hiện các hoạt động sau mà không được coi là vận tải nội địa: Xếp hàng hóa hoặc đón hành khách lên phương tiện thủy tại các cảng, bến, cụm cảng được quy định để vận chuyển sang Campuchia; Dỡ hàng hóa hoặc trả hành khách tại các cảng, bến, cụm cảng được quy đối với hàng hóa và hành khách từ Campuchia vận chuyển sang Việt Nam.

Trường hợp tàu biển tham gia vận tải quá cảnh phải thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, y tế và kiểm dịch động thực vật.

Phương tiện thủy tham gia vận tải qua biên giới từ Việt Nam sang Campuchia tiến hành một lần các thủ tục liên quan đến việc xuất cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật tại cảng hoặc bến khởi hành đầu tiên. Khi phương tiện thủy đến Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, phải xuất trình giấy tờ chứng minh đã làm thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật cho cơ quan chức năng tại cửa khẩu trước khi rời lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa, hành khách được xếp, đón lên phương tiện thủy trên đường hành trình theo quy định mà chưa được làm thủ tục, phải khai báo, nộp, xuất trình các loại giấy tờ cho cơ quan hải quan, kiểm dịch động thực vật, y tế, biên phòng tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu quốc tế Thường Phước để hoàn tất thủ tục cho hàng hóa và hành khách chưa làm thủ tục trước khi xuất cảnh.

Trường hợp tại các cảng, bến, cụm cảng được quy định không có đầy đủ các cơ quan chức năng, các thủ tục còn thiếu sẽ được tiến hành tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu quốc tế Thường Phước.

Thông tư mới của Bộ GTVT cũng quy định, thuyền viên qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ còn hiệu lực: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền cấp (đối với thuyền viên của phương tiện thủy); hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền cấp và sổ thuyền viên (đối với thuyền viên tàu biển quá cảnh); Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Đối với hành khách và nhân viên phục vụ phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.