Không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Tiếp tục phiên họp sáng nay (15/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ "quyền hạn" vào phạm vi điều chỉnh tại điều 1, đồng thời bổ sung một điều quy định quyền hạn của lực lượng này trong dự thảo Luật.
Về ý kiến trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quyền hạn phải gắn với chủ thể mang quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, không thực hiện chức năng quản lý, không thuộc bộ máy nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã.
Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép không bổ sung cụm từ "quyền hạn" vào phạm vi điều chỉnh và không bổ sung quy định về quyền hạn của lực lượng này.
Tuy nhiên, để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) một cách phù hợp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ rà soát, bổ sung vào một số nhiệm vụ độc lập của lực lượng này tại các Điều 7, 8, 10 và 12 để thể hiện quyền và trách nhiệm của lực lượng này khi thực hiện các nhiệm vụ độc lập.
Xác định rõ trách nhiệm liên đới của công an cấp xã
Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (chương II), có ý kiến đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ độc lập cho lực lượng này và nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã, cơ quan công an cấp trên bảo vệ hiện trường khi vụ án hình sự xảy ra tại cơ sở; bổ sung quy định trách nhiệm liên đới của công an cấp xã khi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ mà vi phạm pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số nhiệm vụ độc lập phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng này trong bảo vệ ANTT ở cơ sở; xác định rõ trách nhiệm liên đới của công an cấp xã là: "chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo quy định của pháp luật".
Về tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu và đã nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi. Trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.
Chỉnh lý quy định trình độ văn hóa là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quá trình tiếp thu, chỉnh lý từ kỳ họp thứ năm đến nay, dự thảo Luật đã bảo đảm tính hoàn chỉnh, thể hiện quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng và đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng, An ninh tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan tổ chức hữu quan để rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện kỹ thuật văn bản dự thảo Luật, chú ý rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận