Xã hội

Quy hoạch KKT Dung Quất sẽ có 2 thành phố, sân bay Lý Sơn

30/03/2023, 17:11

Quy hoạch tổng thể KKT Dung Quất đến năm 2045 sẽ đưa vùng đất này trở thành đô thị, là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.

Trong đó, điểm nhấn của quy hoạch KKT Dung Quất trở thành một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Dành quỹ đất hơn 3.200ha cho phát triển hạ tầng giao thông

Sáng 30/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ công bố điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.

img

Lãnh đạo Bộ Xây dựng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể KKT Dung Quất đến năm 2045

Trước đó, vào ngày 28/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 với diện tích khoảng 45.332ha. Trong đó, diện tích đất liền khoảng 33.581ha, diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.492ha (hiện trạng phần đảo nổi và không gian phát triển mới), diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711ha.

KKT Dung Quất được chia thành 5 phân khu chức năng, đó là: Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và phân khu đô thị Lý Sơn. Tổng thể KKT sẽ phát triển không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn và giàu bản sắc dựa trên cấu trúc cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, đồi núi, sông, hồ, biển, hải đảo.

Theo đồ án được phê duyệt, KKT Dung Quất sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia với nền tảng quan trọng là các ngành luyện cán thép, tàu biển, trở thành đô thị biển và là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.

Trong đó, KKT Dung Quất là một trong các cửa ngõ, đầu mối giao thông vận tải, trung tâm trao đổi trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Theo đó, sau điều chỉnh, sắp xếp xây dựng đồ án, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên dành quỹ đất để phát triển HTGT lên đến 2.900ha, vào năm 2030, chiếm 6,4% quỹ đất quy hoạch và đến 2045 là 3.200ha, chiếm tỷ lệ 7,06%.

img

Trong quy hoạch điều chỉnh, sắp xếp lần này tỉnh Quảng Ngãi sẽ sử dụng quỹ đất khoảng 3.200ha để phát triển HTGT ở KKT Dung Quất

Cụ thể, đến năm 2030 tỷ lệ đất giao thông trên đầu người đạt khoảng 18m2/người. Đồng thời, nâng tỷ lệ đất hạ tầng giao thông ở khu vực đô thị trên đất xây dựng trong khu vực nội thị lên 18-24% vào năm 2030 và đạt khoảng 28% vào năm 2045.

Trong đó, ưu tiên quỹ đất xây dựng hạ tầng cảng biển, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics có diện tích hơn 600ha. Đơn cử như khu bến cảng Dung Quất, Sa Kỳ, Lý Sơn, sân bay Lý Sơn… Ngoài ra, đầu tư phát triển các đô thị, mở rộng hạ tầng giao thông hiện hữu để tạo không gian phát triển mới cho các đô thị, khu công nghiệp, nhất là đưa huyện Bình Sơn và Lý Sơn trở thành thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Đồ án được phê duyệt là căn cứ để tỉnh Quảng Ngãi tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển các khu chức năng, phát triển đô thị; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, kể cả quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch cảng hàng không trên địa bàn KKT Dung Quất.

Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm tạo bứt phá

Trong đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có một điểm rất lớn thay đổi so với đồ án trước đây, đó là tỉnh Quảng Ngãi đã nhận thấy và xác định công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chính là bước đệm quan trọng cho việc cụ thể hóa đồ án quy hoạch trở thành hiện thực.

Theo đó, trong giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ngãi định hướng sẽ tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn để tạo bứt phá như: Cao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam; nâng cấp mở rộng QL1, QL24B với quy mô tối thiểu 4 làn xe, đoạn qua đô thị theo quy mô mặt cắt đô thị; QL24C (đường Võ Văn Kiệt) sẽ hình thành đường đô thị tốc độ cao với 6 làn xe và làn đường gom hai bên; xây dựng 2 bến xe đạt tiêu chuẩn loại I, xây dựng trạm dừng nghỉ tại nút giao đường Trì Bình và bãi đỗ xe tải cho khu bến cảng Dung Quất.

img

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng để cụ thể hóa mục tiêu đề ra trong quy hoạch cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành và Chính phủ về bố trí nguồn lực đầu tư

Về đường sắt sẽ cải tạo, nâng cấp và mở rộng 2 ga Trì Bình và Bình Sơn, xây mới tuyến đường sắt chuyên dùng và tuyến đường sắt đô thị. Đối với hàng hải, tiếp tục đầu tư mở rộng các khu bến cảng tại cảng Dung Quất để trở thành khu bến cảng tổng hợp, bến container…

Về giao thông hàng không, xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn là sân bay lưỡng dụng kết hợp sân bay quân sự và sân bay dân dụng cấp 4C, năng lực khai thác từ 3-3,5 triệu hành khách/năm.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ngang, trục dọc chính hiện hữu thành các đường phố, tuyến giao thông chính với mặt cắt ngang từ 31-55m.

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết, định hướng đã có và mục tiêu thực hiện trong thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực để triển khai.

Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng QL1, QL24B, QL24C, tuyến cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi (CT22) và các nút giao Bình Long, Trì Bình, Tịnh Thọ với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Đối với ngân sách tỉnh tập trung hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, cải tạo các tuyến đường tỉnh, xây mới các trục liên khu chức năng khớp nối các đô thị, KCN, khu du lịch theo quy hoạch…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 là cần thiết và để tháo gỡ kịp thời các nút thắt, tồn tại hạn chế của KKT trong thời kỳ vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, gắn với tiềm năng lợi thế sẵn có như: cảng biển, sân bay, đường bộ cao tốc, đường sắt quốc gia…

img

Ngoài ưu tiên phát triển hạ tầng đường bộ tỉnh Quảng Ngãi cũng tập trung đầu tư, mở rộng cảng biển Dung Quất để trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa và cảng container, đưa KKT Dung Quất trở thành trung tâm giao lưu hàng hóa quốc tế của khu vực miền Trung, Tây Nguyên

Ông Minh nhấn mạnh: Những công trình, dự án được đưa vào quy hoạch lần này, nhất là các công trình hạ tầng giao thông sẽ là bước đệm quan trọng và là động lực thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư và đưa KTT Dung Quất bứt phá trở thành điểm nhấn và là hạt nhân quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như cả nước.

Do đó, để từng bước cụ thể hóa định hướng quy hoạch được duyệt, tỉnh Quảng Ngãi kính đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục dành sự quan tâm, giúp đỡ để tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tốt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, góp phần xây dựng KKT Dung Quất trở thành một trung tâm kinh tế biển năng động, hiệu quả của quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.