Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Phan Thị Thu Hiền phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị Hướng dẫn thực hiện các Quyết định về thu hút xã hội hóa, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và góp ý Dự thảo Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô...
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đại diện cho các Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiệp vận tải đều phấn khởi trước việc Thủ tướng ban hành Quyết định số 12 và Quyết định số 13 năm 2015 về những cơ chế, chính sách ưu đãi trong thực hiện xã hội hóa bến xe và chính sách phát triển vận tải bằng phương tiện xe buýt.
Ông Tô Văn - Sơn Giám đốc HTX vận tải Phước Long, tỉnh Bình Phước hưởng ứng cho biết: Quyết định này của Thủ tướng là điều cấp thiết và hoàn toàn phù hợp. Đặc biệt là việc Quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô, việc này sẽ ngăn chặn được tình trạng "bến cóc, xe dù" như hiện nay.
“Chỉ riêng tuyến xe Bình Phước – TP HCM đã có đến 80 đầu xe, chưa kể 20 đầu xe dù nhưng tại bến xe Miền Đông trả về Bình Phước chưa đầy 60 đầu xe. Các xe chạy các tuyến này chỉ cách nhau có 5 phút. Chúng tôi đề xuất Bộ GTVT xem xét lại Quy định về tần suất các xe xuất bến cho phù hợp, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai nói: "Hiện nay chúng ta có 5 loại hình vận tải trong đó xe hợp đồng và xe du lịch hoạt động kém hiệu quả, tần suất thấp hơn tuyến cố định. Với hai loại hình vận tải này có thể bỏ hoặc không bỏ được thì cũng nên chuyển đổi. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nâng cấp các tuyến xe khách nội tỉnh, liên tỉnh lên thành xe buýt sẽ tốt hơn...".
Ông Quang cũng đề xuất các sở cần thường xuyên báo cáo các tuyến xe mới mở chạy trên địa bàn gửi lên Tổng Cục đường bộ Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, các dự án của Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam về mở các tuyến đường mới cũng như các dự án mở đường cần công khai lên mạng để các đơn vị kịp thời nghiên cứu kết hợp bố trí phù hợp khi mở tuyến mới tại các tuyến đường này.
Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ tiếp nhận ý kiến của các cơ quan đơn vị và đưa ra vấn đề cần lưu ý các Sở Giao thông vận tải khi triển khai Quyết định cần nghiên cứu kỹ để đầu tư tránh dàn trải, tránh tham mưu không chuẩn, hạn chế tình trạng lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Không nên để Ban Quản lý tại các Bến xe 100% là Nhà nước, cần kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp để nâng cấp chất lượng các bến xe. Để làm được việc này, trước tiên các địa phương phải quy hoạch được bến xe. Nếu bến xe lẫn vào quy hoạch của địa phương, lẫn vào quy hoạch vùng kinh tế cũng cần nhặt ra nghiên cứu lại cho phù hợp. Từ đó, thực hiện chính sách xã hội hóa bến xe để số lượng vận tải hành khách liên tỉnh giảm xuống, vận tải hành khách công cộng tăng lên. Ngoài ra, chúng ta cũng phải nghiên cứu lại các tuyến xe để ngăn chặn tình trạng chồng chéo các tuyến trên cùng một tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết: Sau Hội nghị này, Tổng cục sẽ cùng phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát các nội dung cần thiết phải chuẩn xác hóa, cần thiết phải bổ sung để chậm nhất ngày 15/6 sẽ hoàn thiện quy hoạch để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ký ban hành.
Theo Dự thảo, quy hoạch các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến 2020, cả nước sẽ có 3.715 tuyến. Trong đó, các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, thành phố nhiều nhất là Hà Nội với 596 tuyến, TP.HCM 356 tuyến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận