Tại Hội thảo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019 ngày 26/12, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện quỹ Phòng chống thiên tai đang kết dư hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh và nêu bất cập của quy định về quỹ Phòng chống thiên tai do thiếu minh bạch trong thu và chi của quỹ.
"Có doanh nghiệp phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này mỗi năm, bao gồm cả nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động. Trong khi đó, lại có nhiều doanh nghiệp không phải nộp mà không rõ lý do", ông Tuấn nói và dẫn ví dụ: Riêng năm 2018, Quỹ thu được 826 tỷ đồng; Trong số các tỉnh thành còn 8 tỉnh chưa thu.
Theo báo cáo của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tổng số tiền quỹ Phòng chống thiên tai thu được ở các tỉnh thành phố trong 5 năm qua (kể từ khi chính sách triển khai) là 2.360 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, có 2 tỉnh thành phố không lập được quỹ, 8 tỉnh thành phố không tiến hành thu tiền cho quỹ.
Cục cũng chỉ ra năng lực thu quỹ cũng rất kém, riêng năm 2018 vừa nêu, số tiền cần thu lên tới 5.807 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ thu được 826 tỷ đồng (đạt 14%).
Về chi, trong 5 năm các tỉnh thành mới chỉ dùng 918 tỷ đồng (tương đương 39% số thu), và còn tồn dư 1.442 tỷ đồng.
Trong văn bản góp ý cho dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng chống thiên tai và Luật Đê điều mới gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VCCI cho rằng nếu coi số tiền này là dùng để dự trữ phòng khi có thiên tai lớn thì cũng không thực sự chính xác. Trong năm qua, quỹ ở tất cả các địa phương đều có kết dư, số tiền chi trong năm luôn thấp hơn số tiền thu được trong năm đó. Thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng quỹ rất thấp.
VCCI cũng dẫn thực tế, có tới 7 địa phương trong 5 năm qua chỉ thu mà không chi. Cụ thể Điện Biên thu 8 tỷ, Yên Bái thu 3,4 tỷ đồng, Hải Dương thu 9,8 tỷ đồng, Hà Nam thu 18 tỷ đồng, Ninh Bình thu 10,5 tỷ đồng, Quảng Ngãi thu 4,6 tỷ đồng, Lâm Đồng thu 13,6 tỷ đồng.
Có 7 địa phương khác có thu nhưng số tiền sử dụng rất thấp, không tới 10% số thu như: Bắc Kạn thu 15 tỷ đồng mà chỉ chi 610 triệu đồng; Kon Tum thu 10,6 tỷ đồng chi 800 tỷ đồng; Hải Phòng thu 47 tỷ đồng chi 610 triệu đồng; Vĩnh Phúc thu 14 tỷ đồng chi 712 triệu đồng; Gia Lai thu 13,4 tỷ đồng chi 662 triệu đồng; Vũng Tàu thu 26,7 tỷ đồng chi 15 triệu đồng, Sóc Trăng thu 7,5 tỷ đồng chi 412 tỷ đồng.
"Đến nay mới chỉ có 3/48 tỉnh công khai việc chi tiêu quỹ. Việc sử dụng quỹ qua các con số trên thấy rằng mức độ hiệu quả chưa cao, một số nguồn lực xã hội đang bị đóng băng", ông Tuấn nhận định.
VCCI cho rằng, tiền của các doanh nghiệp và người lao động tại các địa phương này bị chiếm dụng mà không phục vụ mục đích cụ thể nào, và chính sách về quỹ Phòng chống thiên tai chưa mang lại nhiều tác dụng như kỳ vọng.
“Việc có doanh nghiệp đóng doanh nghiệp không, người đóng người không đã tạo sự cạnh tranh không bình đẳng. Nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng thì thiệt thòi, hay địa phương này thu sẽ tạo ra sự thiệt thòi hơn so với địa phương chưa thu”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Ngoài quỹ này, ông Tuấn còn thông tin vẫn còn một số quỹ khác cũng đang góp phần đặt gánh nặng lên ngân sách, thuế phí cho doanh nghiệp và người dân.
Đáng chú ý, trong khi đoàn giám sát của Quốc hội đã đề nghị bỏ 6 quỹ ngoài ngân sách thì dường như một số bộ ngày lại đang tìm cách lồng ghép để tạo quỹ. Riêng quỹ phòng chống tác hại của rượu bia do bị phản đối nên không hình thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận