Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội XII - Ảnh: Anh Ngọc |
Đó là một trong những điểm mới nổi bật được đề cập trong Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội Đảng XII hôm qua (21/1).
Dân vừa là chủ thể đổi mới, vừa thụ hưởng thành quả đổi mới
Phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội Đảng sáng 21/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.
Đánh giá về kết quả thực hiện mục tiêu dân chủ XHCN, Dự thảo văn kiện cho rằng, vẫn còn tình trạng quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; Có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. |
Nhìn lại 30 năm đổi mới, Dự thảo văn kiện Đại hội XII cũng khẳng định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước”. Cụ thể, quá trình xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, để nhân dân thực sự là chủ thể tiến hành đổi mới và thụ hưởng thành quả đổi mới. Đồng thời cần phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân.
Để thực hiện được điều đó, Dự thảo văn kiện nêu rõ: Cần phải thể chế hoá và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật; Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở…
Đặc biệt, bên cạnh yêu cầu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Dự thảo văn kiện đã bổ sung thêm quyền “giám sát” cho nhân dân. Cụ thể, phải tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định, quy chế khác…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo tại Đại hội XII - Ảnh: Anh Ngọc |
Quyền lực của Đảng chịu sự giám sát của dân
Liên quan đến nội dung này, bên hành lang Đại hội ngày 21/1, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết thêm, hoạt động của Quốc hội, Chính phủ đều có cơ chế giám sát, như quy chế dân chủ ở cơ sở. Thanh tra Nhà nước, thanh tra nhân dân cũng giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể nói chúng ta đưa ra khá đầy đủ cơ chế để người dân có quyền, điều kiện giám sát. Tuy nhiên, có lúc, có nơi làm chưa tốt. “Chúng tôi hy vọng sau Đại hội này chúng ta sẽ phổ biến, quán triệt các cương lĩnh, đường lối của Đảng, trong đó có cơ chế giám sát này, để quyền dân chủ có thể được thực hiện tốt hơn”, ông Son nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, có nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng Đảng tốt hơn thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, ông Son nhấn mạnh: Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật cũng như theo điều lệ của Đảng. Trong đó ghi rõ mục tiêu phấn đấu của Đảng là vì lợi ích của nhân dân và chịu sự kiểm soát của Nhà nước cũng như kiểm soát của nhân dân, tức kiểm soát về quyền lực, trong đó có quyền lực của Đảng. Ông Son khẳng định: “Trong nội hàm của các báo cáo chính trị của Đảng đều nói vấn đề này và nhấn mạnh như vậy. Đảng là người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội, nhưng ngược lại Đảng cũng phải làm sao phục vụ, phục tùng lợi ích của nhân dân, vì nhân dân. Mệnh lệnh của nhân dân là cao nhất và nhân dân sẽ là người giám sát Quốc hội, giám sát hoạt động của Đảng”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Nhắc tới các tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự vào đội ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người ta luôn nhắc tới hai yếu tố cốt lõi là Đức và Tài. Tức là một người lãnh đạo phải luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng vì nhân dân, không tơ hào lợi ích, bè phái hay lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, phải là người có tầm nhìn chiến lược, có sự nhạy bén chính trị, có tư duy đổi mới, luôn quyết đoán, dám nghĩ, dám làm… Ngoài ra, lãnh đạo giỏi phải là người tạo được niềm tin trong dân và được dân tin yêu, phải là người luôn lắng nghe, chia sẻ với những trăn trở, khó khăn của nhân dân, và đặc biệt đó là người luôn luôn có mặt khi dân cần, không quản ngại mưa nắng, đêm hôm. Xét cho cùng, dân cần một người lãnh đạo biết gần gũi, sâu sát và sẵn sàng chia sẻ với họ. Đó là một tiêu chuẩn cao mà một người lãnh đạo cần phải có. Ông Đỗ Văn Ân - nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ: Nước ta đã đổi mới 30 năm, hiện nay đang bước vào quá trình hội nhập nên người lãnh đạo dứt khoát phải là người có tư duy mới, dám đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi luôn quan niệm rằng, các cán bộ cốt cán của Đảng ở các cấp phải thực sự là công bộc của dân, gần dân, sát dân, học dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Là lãnh đạo, đừng bao giờ nghĩ mình là “quan cách mạng”, đừng bao giờ ngồi trong phòng lạnh nghĩ ra những chính sách xa vời, không gắn với dân. Lãnh đạo không phải người “ngồi phòng lạnh, nghĩ chính sách trên trời”. Hãy nhớ rằng, người cán bộ được tạo điều kiện đi xe ô tô, ở nhà công vụ, làm việc trong môi trường tốt, đủ điều kiện là do người dân dành cho họ để họ cống hiến cho dân, phục vụ dân tốt hơn chứ không phải họ nghiễm nhiên có được những thứ đó. Hoài Thu |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận