Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sáng 8/5 |
Sáng 8/5, trực tiếp có mặt tại khu vực thi công nút giao Thân Cửu Nghĩa đoạn tiếp giáp cuối đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, PV Báo Giao thông ghi nhận nhà thầu Công ty CP xây dựng hạ tầng Cii đã huy động nhiều thiết bị và nhân công để triển khai rất sớm. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành gói thầu của Cii cho biết, đã triển khai 4 mũi thi công, trong đó phần đường với chiều dài 1.431m cơ bản hoàn thành đắp cát K95 đến cao độ thiết kế và lu lèn. Một mũi thi công khác đang thi công thân trụ của một nhánh cầu vượt qua TL878.
Tại gói thầu XL-03A - thi công nút giao giữa đường cao tốc với QL30, Công ty CP đầu tư xây dựng BMT cũng đã huy động nhân lực, thiết bị, hoàn thiện đắp cát K95 đến cao độ theo thiết kế để tiến hành đóng bấc thấm. Tổng chiều dài thực hiện đạt 1,8km với khối lượng khoảng 4.000m3 cát.
Trực tiếp kiểm tra tiến độ tại công trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật biểu dương các nhà thầu đã tích cực huy động thiết bị, nhân lực triển khai thi công các gói thầu. “Nhìn công trường của dự án đã nhộn nhịp hơn trước, yêu cầu nhà đầu tư và các nhà thầu tiếp tục triển khai các gói thầu khác một cách đồng bộ, quyết liệt hơn để hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2020 như kế hoạch đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Theo ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, toàn bộ dự án có 21 gói thầu, đến nay đã triển khai thi công 18 gói thầu. Trong đó 7 gói thầu thi công trước đã hoàn thành việc đào bốc lớp đất hữu cơ, các nhà thầu đang tiến hành bơm cát và đóng bấc thấm. Các gói thầu khác đang triển khai phát quang, đào bốc hữu cơ. Đối với công tác GPMB đến nay đã chuyển cho địa phương 1.304 tỷ đồng để bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng. Hiện đã giải phóng xong 47/51km, đạt trên 96% khối lượng GPMB trên toàn tuyến.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đến công tác GPMB và nguồn cung vật liệu cát (khi triển khai dự án giá cát chỉ 80.000 đồng/m3 nay đã lên trên 300.000 đồng/m3 - PV) để hỗ trợ cho dự án.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ chỉ đạo các địa phương hoàn thành sớm GPMB để bàn giao cho nhà thầu. Phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét các phần đất bị chia cắt sau khi tuyến đường đi qua, nếu thu hồi được thì đưa vào nguồn GPMB để tạo điều kiện cho người dân. Đồng thời, xem xét bổ sung thêm một số cống chui dân sinh để người dân lưu thông thuận lợi.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu địa phương phối hợp với nhà đầu tư dự án, rà soát lại các phần diện tích bị chia cắt, nếu nhỏ và có thể dồn vào phần diện tích của các hộ dân khác thì nên triển khai, tránh tình trạng thu hồi đất để trống, trong khi người dân không có đất sản xuất.
Đối với các cống dân sinh, Thứ trưởng cho biết, quan điểm là khi làm đường cao tốc phải tạo điều kiện tối đa để người dân đi lại thuận tiện. Vì vậy, trong thiết kế đã có làm đường gom hai bên và cống dân sinh theo khoảng cách quy định, nên việc bổ sung các cống dân sinh theo kiến nghị của địa phương cần rà soát cụ thể, bởi nếu bổ sung quá nhiều sẽ làm tăng chi phí dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận