Đó là thực trạng đang diễn ra trên tuyến đê Tả sông Hồng qua địa bàn huyện Đông Anh có chiều dài khoảng 10km chạy qua bốn xã: Xuân Canh, Vĩnh Ngọc, Hải Bối và Võng La.
Ô tô tải chở cát, bụi mịt mù trên con đường nhỏ dọc mép bờ sông Hồng |
Dân mong được cấm đường
Chúng tôi tìm về xã Hải Bối vào những ngày trung tuần tháng 6. Đê Tả sông Hồng dài hơn 3km từ điểm giáp ranh với xã Võng La đến cầu Nhật Tân gần như không còn đoạn nào giữ được nguyên trạng. Chỗ nhẹ thì lớp nhựa đường trải mặt rỗ như tổ ong. Chỗ nặng thì bong tróc, trơ ra đá cuội lởm chởm, "ổ trâu", "ổ voi" to tướng.
"Các anh nhà báo xem viết cho mấy bài để người ta cấm tiệt “bọn” xe tải đi cho người dân chúng tôi đỡ khổ. Đường trải nhựa đẹp là thế mà giờ khác nào cái ruộng mới cày. Như thế này ai mà chịu nổi”.
Chị Nguyễn Thị Lý huyện Đông Anh, Hà Nội |
Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp, chị Nguyễn Thị Lý (thôn Võng La, xã Võng La) bán quán nước mía trên bờ đê, đoạn giáp ranh giữa hai xã Võng La và Hải Bối bỏ cả bán hàng chạy ra “tố khổ”: “Các anh nhà báo xem viết cho mấy bài để người ta cấm tiệt "bọn" xe tải đi cho người dân chúng tôi đỡ khổ. Đấy anh xem, đường trải nhựa đẹp là thế mà giờ khác nào cái ruộng mới cày. Như thế này ai mà chịu nổi”.
Theo lời chị Lý, mỗi ngày có đến vài chục lượt ô tô tải nặng qua lại trên tuyến đường đê này. Phần lớn là xe chở cát, sỏi từ các điểm tập kết vật liệu xây dựng nằm ven sông Hồng thuộc địa bàn xã Hải Bối. Mặc dù biển báo hạn chế trọng tải đường là 10 tấn được cắm khắp nơi nhưng cánh lái xe chẳng thèm quan tâm. Những chiếc ô tô lèn đầy thùng cát, sỏi… với sức nặng lên đến vài chục tấn vẫn vô tư qua lại.“Anh bảo như thế thì làm sao mà đường nó không hỏng. Bây giờ mới là khó đi thôi, đến khi mưa xuống, đố ai đi được. Nhiều khi chúng tôi chỉ muốn rào luôn đường lại cho chúng hết chạy, hết phá đường nữa”, chị Lý bức xúc.
Lãnh đạo chính quyền liên tục "bận"
Theo chị Lý và những người dân nơi đây thì “con đường đau khổ” này là "anh em song sinh” với những bãi cát sỏi ven sông Hồng. Bởi từ khi những bãi cát này đi vào hoạt động, xe tải “chẳng biết ở đâu ra” cứ nối đuôi nhau tập kết về Hải Bối, chất đầy cát sỏi rồi chẳng cần che chắn gì, mà vẫn đi ầm ầm suốt ngày đêm. “Không tin các anh cứ đứng đợi ở đây mà xem. Vài phút nữa chúng nó chạy ầm ầm bây giờ đấy. Khoảng sáng sớm và giữa trưa chúng đều tranh thủ chạy nhiều để tránh bị kiểm tra”, chị Lý chỉ dẫn.
Quả đúng thế, chỉ trong vòng 30 phút ngồi “phục” tại quán nước của chị Lý, chúng tôi đếm được hơn 10 lượt ô tô tải nặng chở vật liệu xây dựng chạy qua. Tất cả các xe đều lặc lè đi ra từ phía bờ sông Hồng, nơi có những điểm tập kết cát sỏi. Quyết định bám theo một chiếc ô tô đang trên đường ra bãi lấy hàng, chúng tôi men sâu vào trong một con đường đất nhỏ chạy sát mép sông thì phát hiện có 4-5 điểm tập kết cát sỏi. Tại các điểm tập kết này đều có máy xúc cơ giới và hàng chục ô tô tải chuyên dụng để vận chuyển.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 28/3/2014, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND giao cho Công an huyện, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, Đội TTGT huyện và chính quyền địa phương xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép và giải tỏa các bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép trên địa bàn. Trong kế hoạch này, UBND huyện Đông Anh yêu cầu các xã ven sông có bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép phải chủ động xây dựng phương án tổ chức tháo dỡ, di chuyển toàn bộ công trình vi phạm hoặc cưỡng chế.
Thế nhưng, trước thực trạng bức xúc nêu trên, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Hải Bối đặt lịch làm việc với lãnh đạo địa phương này nhưng đều không được. Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối liên tục từ chối làm việc với phóng viên với lý do có việc bận. Đồng thời, vị quan xã này cũng tỏ thái độ tắc trách khi chỉ trả lời qua điện thoại: “Việc này chúng tôi đã có báo cáo lên thành phố rồi”.
Nguyễn Quý
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận