Giá đất "nhảy" gấp nhiều lần khởi điểm
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, khoảng đầu năm 2021, thị trường bất động sản Mê Linh giữ được tình trạng ổn định, giá bán dao động khoảng 15 - 23 triệu đồng/m2.
Đất nền dân cư tại xã Tiền Phong, dao động khoảng 15 - 23 triệu đồng/m2. Giá nhà đất trong các khu đô thị được quy hoạch như: Diamond Park, Mê Linh New City, Mê Linh Vista… khoảng 20 - 23 triệu đồng/m2. Thế nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, hàng loạt các cuộc đấu giá trên địa bàn đã đẩy giá đất tăng gấp 2, gấp 3.
Dự án Hud Thanh Lâm - Đại Thịnh vừa tổ chức đấu giá đất gần 60 triệu/m2
Đặc biệt, phiên đấu giá mới nhất đẩy giá đất cao kỷ lục, gần 100 triệu/m2, bất chấp hạ tầng Mê Linh còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty đấu giá Hợp Danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá 33 lô đất tại điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông.
Theo đó, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công, thu về gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, giá trúng cao nhất tại phiên đấu giá này lên tới gần 100 triệu đồng/m2.
Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cũng phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 – Quốc gia đấu giá thành công 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm.
Tổng diện tích khu đấu giá là 1.858,9 m2 (diện tích mỗi thửa từ 87,75 - 171,67 m2), giá khởi điểm từ 27,1 - 35,2 triệu đồng/m2. Sau phiên đấu, tổng số tiền thu về là hơn 98 tỷ đồng, chênh 39,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Thời điểm này, mức giá trúng cao nhất là 85,5 triệu đồng/m2.
Hay như, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tổ chức đấu giá (6/2022) 202 căn nhà thấp tầng xây thô, hoàn thiện mặt ngoài hình thành tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2. Dù phải “bắc cầu” và trải qua quãng đường khoảng 40km từ Hà Nội mới tới được dự án, xung quanh là đồng không mông quạnh, thế nhưng chỉ trong một ngày, HUD đã chốt 198/202 căn thấp thầng. Mức giá phổ biến khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2.
Theo kế hoạch, năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đấu giá khoảng 1.561,42 ha tại 634 dự án. Theo đó, tổng số tiền dự kiến thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chỉ tiêu năm 2022, trong đó số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng).
Cần xem xét lại hiệu quả sử dụng đất sau đấu giá
Trước tình trạng trên, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) bày tỏ lo ngại, các cuộc đấu giá luôn có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Từ đó, tạo ra một môi trường đầu tư với giá đất cao hơn bình thường. Khi đầu vào đất đai cao, giá hàng hóa sản xuất tăng theo. Trong khi đó, ở các nước xung quanh, chi phí đất đai thấp nên giá hàng hóa thấp.
Điều này cho thấy, nếu đấu giá đất cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ kém đi. Ông Võ ví nó như hành động của một người tự lấy đá ghè vào chân mình.
Trước đó, tại báo cáo ở Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân nhận định, còn nhiều tồn tại và hạn chế trong vấn đề đấu giá đất ở nước ta.
cần bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.
Do đó, ông Võ cho rằng, không nên phổ cập đấu giá đất. Chỉ nên đấu giá những mảnh đất “vàng”, đất "kim cương” có vị trí đắc địa, có một không hai, mà chưa giao, chưa cho thuê, chưa có người sử dụng trong các đô thị, mảnh đất mà đại gia nào cũng “thèm khát” sở hữu, chứ không phải mảnh đất nào cũng đấu.
Đồng thời, cần rà soát lại hiệu quả sử dụng đất sau khi trúng đấu giá. Theo ông Võ, hiện nay cơ chế đấu giá đất không quy định về hiệu quả sử dụng đất sau khi đấu giá thành công. Mà chỉ lấy riêng chỉ tiêu tài chính, thậm chí doanh nghiệp nào trả giá cao chênh 1 đồng thôi là đã trúng đấu giá. Nhưng sau đó, đất đai được sử dụng đất vào việc gì thì pháp luật lại không quy định. Dẫn đến tình trạng, đất trúng đấu giá quây tôn, bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai và ô nhiễm môi trường.
Đại diện Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, đấu giá công khai các lô đất ở đã xảy ra tình trạng nhiều người trúng đấu giá không phải là người dân tại xã đó mà là người từ đô thị hoặc các địa phương khác tranh mua. Họ mua nhưng không có nhu cầu thực mà chỉ nhằm mục đích bán lại kiếm lời. Từ đó giới "đầu nậu", "cò đất" gây ra các cơn "sốt ảo" giá đất tại địa phương.
Do đó, đại diện hiệp hội này kiến nghị, bổ sung quy định đối tượng tham gia đấu giá. Các lô đất ở phải là người trong xã. Nếu người dân trong xã không tham gia mới cho phép người ngoài xã tham gia đấu giá đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận