Đường sắt

Ràng buộc trách nhiệm địa phương quản điểm đen đường sắt

05/01/2018, 07:05

Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017.

11

Vị trí nguy hiểm tại Km 13 tuyến vành đai Bắc Hồng - Văn Điển (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), người dân thường xuyên họp chợ trên đường sắt, nguy cơ xảy ra tai nạn cao

Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017, trong đó quy định chi tiết và phân rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý hàng nghìn điểm đen đường sắt, tránh tình trạng thờ ơ và đùn đẩy trách nhiệm như trước đây.

Tai nạn trực chờ tại hàng nghìn điểm đen đường sắt

Cục Đường sắt VN cho biết, hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có gần  4.300 lối đi tự mở, chiếm 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ - đường sắt. Ngoài ra, còn có 14.171 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Đây được coi là những điểm đen có nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt rất cao. Thống kê cho thấy, số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở chiếm trên 70%, còn lại là  tại các vị trí giao cắt.

Luật Đường sắt 2005 đã quy định trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý lối đi tự mở. Giữa Bộ GTVT và các tỉnh, thành cũng có quy chế phối hợp đảm bảo ATGT đường sắt. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn thờ ơ, coi đây là trách nhiệm của đường sắt. Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - ATGT, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do chưa có các quy định pháp lý xác định “điểm đen TNGT” đường sắt.

Hậu quả của sự “thờ ơ” là TNGT đường sắt tại những địa phương này trong năm 2017 diễn biến phức tạp. Đơn cử tại Bắc Giang, năm 2017 xảy ra tới 15 vụ, tăng 4 vụ, tăng 2 người chết so với năm 2016; Thừa Thiên - Huế tăng cả 3 tiêu chí: Tăng 3 vụ, 3 người chết và 5 người bị thương... Đây đều là những địa phương phức tạp về lối đi tự mở và vi phạm hành lang ATGT đường sắt, trong khi chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong phối hợp để xóa những điểm đen.

Hay như Quảng Bình, hiện trên địa bàn còn tồn tại 4 lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt. Từ năm 2014 đến nay, ngành Đường sắt đã nhiều lần có công văn và làm việc trực tiếp với địa phương, đề nghị bố trí người cảnh giới nhưng địa phương vẫn chưa thực hiện.

Rạch ròi trách nhiệm

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, để xử lý thực trạng trên, Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017. Nghị định sẽ dành Mục 2, Chương II để phân rõ các vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt và trách nhiệm của các chủ thể.

Liên quan đến điểm đen đường sắt, dự thảo đã đưa ra 2 phương án xác định tiêu chí: Một là, dựa trên số vụ và mức độ thiệt hại do TNGT đường sắt trong vòng 12 tháng; Hai là, dựa trên tần suất phát sinh số vụ tai nạn và mức độ nghiêm trọng của tai nạn.

"Cần nghiên cứu kĩ việc xác định các điểm nguy hiểm ATGT đường sắt vì liên quan đến trách nhiệm của địa phương, các cơ quan quản lý chuyên ngành khác nhau về ATGT. Phải xử lý cho được các lối đi tự mở, xác định rõ trách nhiệm của địa phương và các đơn vị trong quản lý, xử lý và lộ trình xử lý."

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Ngọc Đông

Về phương án này, ông Tú Bình, Phó trưởng ban An ninh - ATGT đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, lối đi tự mở lớn hơn 2,5m cần được coi là điểm đen, mặc dù chưa tai nạn. Nếu tai nạn xảy ra tại lối đi lớn hơn 2,5m, tính chất thường nghiêm trọng hơn, vì lối đi rộng, ô tô có thể qua được.

Đồng quan điểm, theo ông Bùi Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT cho rằng, tiêu chí xác định điểm đen không nên chỉ phụ thuộc vào số vụ và tính chất tai nạn, mà phải dựa trên cả đặc điểm của hạ tầng như đường cong hay độ dốc…

Theo Dự thảo Nghị định, dù theo phương án nào, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm tham gia trong việc quản lý, xóa bỏ điểm đen, vị trí nguy hiểm. Cụ thể, UBND cấp huyện phải xác nhận hồ sơ vị trí nguy hiểm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan lập, quản lý và theo dõi những vị trí nguy hiểm; tổ chức giao thông khu vực vị trí nguy hiểm, giải tỏa hành lang ATGT đường sắt; tổ chức thực hiện giảm, xóa bỏ những vị trí nguy hiểm.

Cũng về trách nhiệm của địa phương, Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể việc xử lý các lối đi tự mở và lộ trình thực hiện. Theo đó, UBND cấp huyện phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan lập và thống nhất quản lý hồ sơ lối đi tự mở; thu hẹp bề rộng lối đi, xóa bỏ lối đi tự mở trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.