Bạn cần biết

Rét hại kéo dài, nông dân Lào Cai khóc ròng

16/01/2018, 13:03

Nhiệt độ tại khu vực núi cao Lào Cai chỉ từ 1-3 độ C, khiến chăn nuôi tại địa phương thiệt hại nặng nề…

18

Trâu bò chết vì rét tại Lào Cai - Ảnh: Phan Hậu

Trâu chết, dân xẻ thịt bán la liệt ven đường

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày qua, hầu hết các gia đình có chuồng trại không đảm bảo tại Sa Pa đã phải đưa gia súc xuống các vùng thấp để tránh rét. Những gia đình có chuồng trại kiên cố cũng khẩn trương tích trữ thêm thức ăn cho gia súc vượt qua những ngày giá rét.

Bất chấp những cơn gió mang hơi sương đang rít từng đợt trên đồi, chị Châu Thị May (xã Sa Pả, huyện Sa Pa) vẫn cần mẫn đưa lưỡi hái cắt từng ngọn cỏ bó thành từng bó đưa lên xe kéo chở về chuồng cho trâu ăn. Chị May cho biết, mấy ngày nay nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện băng giá và sương muối, “gia đình tôi không dám thả rông đàn gia súc nữa, chuồng trại cũng được che đậy kín, đêm phải khoác thêm chăn cho trâu để ủ ấm. Ngoài rơm khô, tôi cũng tranh thủ đi cắt cỏ tươi để đảm bảo lượng thức ăn cho đàn trâu của nhà. Vậy mà, đàn trâu chục con cũng bị chết hai con, lỗ gần 30 triệu, xót lắm”, chị May nói.

Trước tình hình rét hại có thể kéo dài trong thời gian tới, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo UBND các cấp, các ngành cần tăng cường công tác nắm bắt diễn biến thời tiết, tích cực vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách phòng, tránh rét cho cây trồng, vật nuôi; tuyệt đối không gieo trồng, chăn thả vật nuôi khi nhiệt độ ngoài trời dưới 13 độ C.

Theo tìm hiểu của PV, dù đã chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc nhưng nền nhiệt giảm sâu vẫn khiến hàng trăm con gia súc của người dân Lào Cai bị chết. Hơn 1 tuần qua, suốt 30km dọc tuyến QL4D từ TP Lào Cai - Sa Pa, thịt trâu, nghé chết được người dân mổ bán la liệt ven đường. Rất nhiều du khách tò mò ghé lại xem và mua về với giá chỉ bằng 1/2 giá thị trường, khoảng 100 - 120 nghìn đồng/kg.

Nhanh tay mổ chú trâu đã được thui vàng, anh Lý Lao Xả (xã Chung Trải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết, mùa rét năm nay nhà anh bị chết ba con trâu, một con khác đang bị cóng chân không đi được, khả năng không qua khỏi nếu trời vẫn tiếp tục giá buốt. “Bình thường trâu khỏe mạnh, mỗi con tôi bán 20 - 25 triệu đồng nhưng trâu chết thì chỉ còn nửa giá. Trâu chết nhiều quá, thương lái mua không hết, nhiều hộ phải tự mổ trâu bán lẻ, giá càng thấp hơn. Ngoài trồng nương rẫy thì nuôi gia súc là nguồn thu nhập chính của gia đình mà chết nhiều quá, năm nay nhà tôi mất Tết rồi”, anh Xả tâm sự.

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, tính từ mùa đông năm 2017 đến nay, đã có 192 con gia súc bị chết do rét lạnh. Trong đó, chỉ tính từ ngày 5/1 - 12/1, toàn tỉnh có 69 con gia súc bị chết; tập trung tại các khu vực vùng cao của các huyện như: Sa Pa, Si Ma Cai, Văn Bàn và TP Lào Cai.

“Ăn sương, nằm lán”, địa lan vẫn rớt giá

Một tháng trở lại đây, dọc tuyến QL4D, đoạn từ xã Cốc San (Bát Xát) lên đến trung tâm thị trấn Sa Pa, hàng chục chủ vườn từ các xã Tả Phìn, Sa Pả, San Sả Hồ, Bản Khoang, thị trấn Sa Pa… đang tất bật với công việc đưa lan “xuống núi” tránh rét. Trời vẫn còn mờ sương, anh Châu A Lồng (SN 1983, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa) nhấp vội ngụm nước chè cho ấm bụng rồi bước nhanh ra vườn địa lan trước mặt đếm đủ 20 chậu, cẩn thận kiểm tra từng nhành nụ, tâm sự, sau đợt rét cuối tháng 11/2017, anh quyết định “di cư” cùng những chậu địa lan xuống Tòng Sành (huyện Bát Xát) tránh rét. Quay vào ngồi trong chiếc lán được dựng lên từ những khung tre, anh Lồng tâm sự, vườn địa lan nhà anh trồng được 50 gốc nhưng chỉ có 30 gốc ra hoa. Mỗi lần di chuyển vườn địa lan tốn hàng chục triệu nhưng nếu không di chuyển, có thể lan sẽ không bật nụ, thậm chí nếu gặp mưa tuyết, địa lan bị thối nõn và không thể tiêu thụ, anh Lồng cho biết. Cũng theo anh Lồng, năm nay, địa lan không mất mùa nhưng số lượng địa lan ra thị trường lớn, nhiều chủng loại nên giá bị rớt, “đến thời điểm hiện tại, tôi bán được 10 chậu địa lan nhưng giá chỉ 500 - 600 nghìn đồng, giảm 1/4 so với các năm trước. Tính ra chỉ đủ vốn, chưa kể các chi phí chăm sóc, vận chuyển”, anh Lồng nói.

Cách đó chừng vài km ở bãi đất rộng, ông Thào A Chung, chủ vườn địa lan khác đang cẩn thận xếp những chậu lan lên giá. Cách đây gần hai tháng, ông phải thuê ba nhân công bản địa với giá 100 nghìn đồng/người/ngày để khiêng những chậu địa lan xếp lên giá sắt và quây những tấm lưới đen để điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ phù hợp giúp địa lan bật nụ. “Di cư gần 300 gốc địa lan xuống dưới này tính các loại chi phí hết gần trăm triệu đồng mà giá thấp quá, chậu nào nhiều nụ, dáng đẹp mới bán được 700 - 800 nghìn đồng. Hi vọng những ngày tới có thêm nhiều khách hàng mua về bán, biếu, tặng, chơi Tết, giá địa lan được tăng lên để người trồng chúng tôi được đền đáp xứng đáng với mồ hôi, công sức mình bỏ ra suốt mấy năm qua”, ông Chung nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.