An ninh hình sự

Rộ chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí, nhiều người mất hàng trăm triệu

17/07/2023, 17:04

Ngày 17/7, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mới, áp dụng công nghệ cao thông qua hình thức tuyển người mẫu nhí.

Theo cơ quan công an, tời gian gần đây, trên mạng xã hội nở rộ các fanpage, bài đăng với nội dung quảng cáo tuyển dụng “người mẫu nhí”. Nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con dự tuyển nhưng sau đó bị lừa mất hàng chục, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng.

img

Các fanpage giả mạo các trương trình game shows và tuyển mẫu nhí với mục đích lừa đảo. (Ảnh: CAHY)

Các đối tượng lừa đảo hiện nay nhắm vào tâm lý của các bậc phụ huynh có xu hướng muốn phát triển năng khiếu và đào tạo kỹ năng sống cho con em từ sớm. Đánh vào tâm lý đó, đã có nhiều bài đăng tuyển dụng người mẫu nhí trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo với lời quảng cáo hấp dẫn như giúp trẻ tự tin, phát triển kỹ năng sống và có thu nhập cao.

Chỉ cần gõ từ khoá “tuyển mẫu nhí”, sẽ cho ra hàng loạt các trang fanpage như “Canifa - toả sáng tương lai bé”, “Ngôi sao nhí - Model Kids 2023”, “Siêu mẫu nhí 2023”… với lượt theo dõi cao.

Các fanpage này thường xuyên đăng tải các nội dung tuyển người mẫu nhí từ 2 đến 14 tuổi "làm việc tại nhà" với chào mời lương, thưởng hấp dẫn. Bên cạnh đó là những quyền lợi như trở thành người mẫu nhí chính thức của công ty thời trang nổi tiếng, được tài trợ toàn bộ cho mỗi buổi chụp, lương cơ bản 3-10 triệu/tháng.

Ngoài ra, phụ huynh được hứa hẹn sẽ nhận thêm phần trăm hoa hồng theo sản phẩm quảng bá… Đã có nhiều cha mẹ nhẹ dạ cả tin đăng ký cho con tham gia ứng tuyển mà không hề biết rằng có thể đã sa vào bẫy lừa đảo.

Sau khi nạn nhân “cắn câu”, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa vào một group chat để mời tham gia thử thách. Thử thách cho các phụ huynh khi muốn con mình tham gia vào ứng tuyển “người mẫu nhí” là chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, sau đó cho con em mình làm mẫu chụp ảnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Thông thường ban đầu, chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ để “kích thích” phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao, chúng xóa tài khoản, cắt đứt liên hệ nhằm chiếm đoạt số tiền phụ huynh đã chuyển.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn nhận được đường link bình chọn giọng hát và cuộc thi người mẫu nhí. Khi click vào các đường link này, người tham gia được yêu cầu nhập mật khẩu Facebook, Zalo. Ngay lập tức đối tượng sẽ chiếm đoạt Facebook và các tài khoản mạng xã hội để đi vay tiền nhằm lừa đảo.

Chị Nguyễn N.A (một viên chức đang làm ở một tòa soạn báo lớn) cũng từng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.

Chị N.A cho biết: Cách đây hơn 1 năm khi có người gửi links nhờ bình chọn cho cháu trong cuộc thi The Voice Kids trên mạng xã hội, chị đã vô tình bấm vào và nhập mật khẩu tài khoản Facebook. Ngay sau đó, chị bị cướp quyền truy cập. Những ngày sau đó, nhiều người thân của chị bị đối tượng lừa đảo mạo danh dùng tài khoản Facebook của chị để vay tiền, nhờ chuyển khoản. Đã có một số người bị mắc bẫy với số tiền chuyển cho đối tượng lên đến hàng chục triệu đồng.

Mặc dù sau đó, cơ quan điều tra công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bắt được nhóm đối tượng. Tuy nhiên, đến nay, một số người bạn của chị là nạn nhân của các đối tượng vẫn chưa thể lấy lại được tiền.

"Dù bản thân và những người bạn bị lừa đều có kiến thức và cảnh giác cao nhưng các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi", chị N.A chia sẻ.

Để phòng tránh và hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra, Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước hình thức lừa đảo này. Người dân tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết.

"Cần đặc biệt cẩn trọng đối với các chương trình tuyển mẫu nhí trên không gian mạng và hạn chế gửi hình ảnh của con nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu. Trường hợp cần thiết để tham gia tuyển mẫu nhí phụ huynh nên đề nghị được gặp mặt trực tiếp để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo qua mạng. Đặc biệt không làm việc với nhà tuyển dụng nào mà yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền, nộp tiền trước.

Nên xác định kỹ thông tin tuyển dụng để phân biệt đó là thông tin thật hay giả. Các tin tức giả thường sẽ bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Các tài khoản đăng tải thông tin nếu là tài khoản ảo, thông tin liên hệ không rõ ràng, không xác định được định danh thì khả năng cao đều lập ra với mục đích lừa đảo.

Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho chính quyền, công an nơi gần nhất để được giúp đỡ", Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.