Báo Giao thông đã có bài viết “Rối rắm áp giá xăng dầu tại các địa phương vùng 2”, nhằm nêu lên điểm bất hợp lý khi nhiều tỉnh thành đều áp giá bán lẻ xăng dầu cao hơn giá công bố từ cơ quan quản lý ngưỡng 2%.
Việc quy định chi phí phát sinh để được áp giá vùng 2 vô hình trung tạo kẽ hở cho việc áp hàng loạt, khi mục tiêu chỉ hướng đến cho một số địa bàn vùng xa.
Thực tế, có tới 46 tỉnh thành đang được áp giá vùng 2 trong hệ thống của Petrolimex - đơn vị chiếm hơn 50% thị phần toàn quốc. Và chỉ có 17/63 tỉnh, thành phố được hưởng giá xăng bán lẻ theo công bố của Bộ Công thương.
Điều này tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh khi doanh nghiệp những vùng này phải mua giá đắt hơn, còn người dân chịu thiệt thòi.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong công thức tính giá cơ sở, chi phí từ các điểm kho đầu nguồn luân chuyển đến các điểm kho tuyến sau và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn từng tỉnh chỉ được tính theo trung bình chi phí đến các tỉnh vùng 1 của các đầu mối.
Vì thế, những tỉnh vùng 2 (điểm xa kho) sẽ được tính tăng thêm 2% so với giá bán lẻ công bố của liên bộ.
Khi PV đặt câu hỏi “nên chăng cần quy định lại bằng cách tính chi phí trung bình cho cả vùng 1 và vùng 2 để áp chung cho toàn quốc và sẽ có những chính sách riêng cho những vùng xa như miền núi?, lãnh đạo Cục Quản lý giá đồng tình quan điểm trên và cho rằng, Bộ Công thương cũng cần có hướng dẫn, khảo sát đánh giá lại vấn đề này trong nghị định về kinh doanh xăng dầu sắp sửa đổi tới đây.
Ông Tiến gợi ý việc sửa đổi cần đảm bảo tính công bằng và những chi phí thực tế của doanh nghiệp cũng cần tính vào giá.
“Tôi sẽ bàn với Vụ thị trường trong nước khảo sát xem thế nào”, ông Tiến nói và bày tỏ “sẽ đề xuất sửa đổi trong nghị định mới”.
Theo Vụ thị trường trong nước, các thương nhân đầu mối được xác định giá bán vùng 2 theo từng tỉnh trong hệ thống của mình, dựa vào chi phí kinh doanh thực tế phát sinh từ các điểm kho đầu nguồn luân chuyển đến các điểm kho tuyến sau và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn từng tỉnh.
Khi thương nhân đầu mối quyết định giá bán thực tế cao hơn giá điều hành để bù đắp chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng cao tại các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, thì đều phải kiểm toán chi phí kinh doanh thực tế theo quy định theo địa bàn từng tỉnh, nơi thương nhân đầu mối có hệ thống phân phối và phải được thông báo với Bộ Công thương về các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận