Tập kết phế liệu vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam |
Ông Hoàng Minh Mẫn, Trưởng phòng Quản lý đường ngang và hành lang ATGT đường sắt, Công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua hai tỉnh Hà Nam, Nam Định chạy liền kề với đường bộ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nên người dân bám mặt đường để kinh doanh, sinh sống. Từ đó phát sinh nhiều vi phạm như: Mở đường dân sinh trái phép qua đường sắt, dựng biển quảng cáo, trồng cây, cơi nới mái che, mái vẩy… vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT đường sắt và che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt. Đặc biệt, tại các khu vực này có nhiều làng nghề như: Đồ gỗ mỹ nghệ, làm non bộ, đá cảnh, đúc mộ, quách… nên tình trạng này càng phức tạp.
Tại địa bàn xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, dọc theo đường sắt chạy song song QL21A là các cửa hàng bán, dựng non bộ với khối lượng sản phẩm, vật liệu lớn. Không chỉ lấn chiếm lòng đường, hành lang đường bộ, các cửa hàng này còn lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt làm nơi tập kết đá. Những khối đá to, nhỏ lổn nhổn, ngổn ngang, sát cả vào vai đá đường tàu. Ông Mẫn cho biết: “Giải tỏa nhiều lần rồi, mỗi lần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện, tốn kém, nhưng cứ giải tỏa xong đâu lại vào đấy. Chỉ được vài hôm là họ lại cẩu đá vứt đầy hành lang đường sắt”.
Không chỉ vậy, trên địa bàn còn có nghề đúc lăng mộ, quách với hàng trăm lăng mộ đúc sẵn tập kết trên hành lang đường sắt. Có đoạn đã làm hàng rào, đường gom nhưng các hộ kinh doanh vẫn bày lăng mộ ra phía ngoài hàng rào, trên hành lang đường sắt để “chào hàng”, lấn chiếm, chất cả trên đường gom. Ngoài ra, còn cả các hộ kinh doanh vật liệu phế thải lấn chiếm hàng trăm m2 dọc đường sắt dựng xưởng làm nơi tập kết, sàng lọc phế thải. Các hộ này ngang nhiên chất phế thải cao hàng mét trên hành lang, bám vào cả vai đường tàu, có chỗ cách ray chưa đến 1 m.
Trên tuyến đường sắt chạy qua huyện Ý Yên (Nam Định) với nhiều làng nghề như La Xuyên, Ninh Xá… song song QL10 là các cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ, xưởng mộc san sát bám mặt đường bộ, đường sắt. Mỗi cửa hàng lại mở một lối đi dân sinh qua đường sắt với mật độ khoảng 3 - 5 m. Người dân “sáng kiến” đủ kiểu để tạo lối đi dân sinh: Kê tấm hàn bằng các nan sắt được đặt giữa hai thanh ray; Lấy đá vai đường tàu rải, lấp lên lòng đường sắt; Kê các tấm đan bê tông… Đó là chưa kể các loại gỗ từ sản phẩm đến vật liệu ngổn ngang trên hành lang đường sắt.
Anh Đường Xuân Huân, công nhân tuần đường cung đường Cát Đằng cho biết: “Đi tuần đường hàng ngày tôi đều nhắc nhở họ để gọn đồ vào, nhưng họ chỉ làm lấy lệ, sau vẫn bày tràn lan…”.
Theo ông Mẫn, trước thực trạng vi phạm nhức nhối, đe dọa an toàn chạy tàu trên địa bàn, các cơ quan chức năng và ngành Đường sắt đã đầu tư làm đường gom, xóa bỏ đường dân sinh để ngăn chặn tái lấn chiếm, vi phạm hành lang. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên công trình tường rào đang thi công dở dang phải dừng lại. Các hộ kinh doanh bám mặt đường tàu trước đó đã đồng ý nhận đền bù, trả mặt bằng thì nay lại tiếp tục vi phạm hành lang đường sắt. Nếu không được bố trí vốn sớm, nguy cơ mất an toàn càng cao, còn công trình dở dang sẽ bị xuống cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận