Hạ tầng

Rốt ráo GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

12 địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua đang rốt ráo thực hiện công tác GPMB...

Đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11 theo yêu cầu của Chính phủ.

Người dân phấn khởi, địa phương rốt ráo

Những ngày đầu tháng 8/2022, ông Trần Văn Cho (trú tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) không khỏi vui mừng bởi chỉ 2 - 3 năm nữa, quê hương ông sẽ có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua.

Niềm vui ấy của ông Cho khiến ông không hề lấn cấn khi nhắc tới chuyện bàn giao mảnh ruộng của mình: “Nhà tôi có khoảng 5.000m2 đất trồng ấu, kết hợp với nuôi thủy sản, mỗi năm đem về nguồn thu trên 100 triệu đồng. Khi hay tin miếng ruộng trong phạm vi GPMB, tôi không lăn tăn gì cả, chỉ mong tuyến đường sớm hoàn thành”.

img

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cùng đại diện các sở, ngành kiểm tra thực địa dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua địa bàn

Có tới 63km cao tốc Bắc - Nam đi qua 4 huyện (Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ), thời điểm này, hai đợt bàn giao cọc GPMB của Ban QLDA Mỹ Thuận đã được tỉnh Hậu Giang hoàn thành việc kiểm đếm, vượt tiến độ khoảng 3 tháng. Công tác kiểm đếm đối với đợt bàn giao thứ 3 đạt khoảng 90%.

Tại Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Trúc Linh, Phó chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Sau khi tiếp nhận 100% cọc GPMB, quận đã tổ chức họp dân từ ngày 26/7/2022, triển khai đo đạc, kiểm đếm hiện trạng đất phục vụ công tác GPMB, đảm bảo bàn giao đủ 70% mặt bằng cho nhà thầu thi công theo chỉ đạo.

Thông tin Bộ GTVT cập nhật đến cuối tháng 7, đầu tháng 8/2022 về công tác GPMB, việc trích đo tại thực địa 6/12 dự án đã hoàn thành gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Công tác kiểm kê tài sản trên đất hoàn thành ở 2/12 dự án: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng.
10/12 dự án đang triển khai: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đạt 78%.


Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình (địa phương có hai dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đi qua) từ cấp tỉnh đến các sở, ngành địa phương cũng đang dồn toàn lực cho GPMB cao tốc.

Theo ông Phạm Xuân Bằng, Phó phòng Quản lý chất lượng, Sở GTVT Quảng Bình, thành viên Ban GPMB tỉnh, từ tháng 2/2022 đến nay, các đơn vị liên quan của tỉnh làm việc không có thứ 7, Chủ nhật. Tính đến nay, Quảng Bình đã hoàn thành 100% công tác trích đo hiện trường cho 125,86km, tương đương hơn 1.115ha đất, sớm hơn 1 tuần so với mốc tỉnh đề ra). Ra thông báo thu hồi đất và kiểm đếm tài sản được 99,36/125,86km (đạt 78,94%); Đang hoàn thiện thủ tục để xây dựng 41 khu, vị trí tái định cư.

Tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, hiện tại, đoạn qua huyện Vĩnh Linh đã hoàn thành đo đạc, thông báo thu hồi đất 12/14,25km, đang triển khai kiểm kê trên toàn tuyến, hoàn thành 6/14,25km.

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi hoàn thành công tác nhận bàn giao tim tuyến, cọc GPMB từ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh ngày 27/4, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện công tác GPMB theo quy định. Ban chỉ đạo GPMB tỉnh đã hoàn thành kiểm tra hiện trường, yêu cầu đơn vị tư vấn thực hiện các bước kiểm kê, lập phương án di chuyển các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ra khỏi phạm vi GPMB.

Là địa phương có 3 dự án thành phần đi qua gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh với tổng chiều dài gần 119km, công tác GPMB, hỗ trợ, tái định cư cũng đang được tỉnh Bình Định rốt ráo thực hiện.

Theo Sở GTVT Bình Định, đến tháng 8/2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã sơ bộ kiểm kê được khoảng 7.764/12.533 hộ ảnh hưởng (đạt 61,9%).

“Theo tính toán, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua địa bàn tỉnh Bình Định đã được phê duyệt là hơn 4.953 tỷ đồng”, đại diện Sở GTVT Bình Định thông tin, đồng thời kiến nghị các Ban QLDA kịp thời bố trí kinh phí để các địa phương chi trả GPMB đáp ứng tiến độ.

Công tác đo đạc, kiểm đếm khối lượng tài sản, số hộ dân bị ảnh hưởng cũng đang được các cấp chức năng tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa rốt ráo triển khai đối với các dự án thành phần: Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang.

Còn nhiều băn khoăn

img

Cọc GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn qua địa bàn TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, qua kiểm tra, đề xuất của các sở, ngành địa phương, dự kiến đoạn qua tỉnh Quảng Trị có 15 vị trí khu tái định cư, diện tích khoảng hơn 57ha.

Tỉnh đã có văn bản giao các địa phương rà soát quy mô xây dựng, báo cáo Sở Xây dựng thẩm định, đến nay 3 huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh.

“Khó khăn ở chỗ phương án tổ chức, quy mô xây dựng khu tái định các địa phương đề xuất chưa đồng bộ”, ông Tiến nói và kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể để có cơ sở thực hiện.

Ông Tiến cũng bày tỏ băn khoăn khi Nghị quyết 18 của Chính phủ quy định: Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Tuy nhiên, tại Quyết định của Bộ GTVT về việc phê duyệt Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

“Đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể các nội dung như: Quyết định phê duyệt dự án đã giao cho tỉnh làm chủ đầu tư chưa? Địa phương được giao chỉ định các gói thầu như thế nào là phù hợp?”, ông Tiến nêu ý kiến.

Một vướng mắc khác được đề cập chính là công tác GPMB đối với các công trình điện, viễn thông.

Theo ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định (Ban QLDA Thăng Long), Nghị quyết 18 của Chính phủ ghi rõ, giao Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Tập đoàn, Tổng công ty (EVN, VNPT, Viettel, …) khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật do mình quản lý đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.

Nhưng công tác di dời hiện đang lúng túng, bởi theo các quy định hiện hành thì toàn bộ công tác GPMB là trách nhiệm của địa phương.

Mặt khác đối với các công trình nhỏ, điện hạ thế, địa phương có thể thực hiện việc bồi thường, bàn giao công trình mới cho ngành điện nhưng đối với các công trình lớn, kỹ thuật phức tạp như điện cao thế 110V, 220V, đặc biệt là 500KV giao địa phương, cấp huyện, cấp tỉnh làm chủ đầu tư di dời là cực kỳ khó khăn, không đủ năng lực.

Tách riêng GPMB, giao các địa phương thực hiện

Liên quan đến thắc mắc của địa phương về công tác chỉ định thầu, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần, trong đó tách riêng công tác GPMB giao cho UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, các địa phương thực hiện chỉ định thầu các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù GPMB và tái định cư theo quy định của pháp luật. “Riêng điều kiện kèm theo đối với công tác chỉ định thầu, vừa qua, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng xem xét, sửa đổi nội dung liên quan tại Nghị quyết 18, làm rõ hơn vấn đề này để các cơ quan liên quan, địa phương có cơ sở thực hiện”, vị này thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.