Điểm rửa xe trên phố Lê Thánh Tông, Hà Nội toàn bộ nước thải chảy thẳng xuống lòng đường - Ảnh: K.Linh |
Đường sá thì nhầy nhụa, xuống cấp kể cả trong những ngày nắng chang chang.
Tình trạng trên đang diễn ra nhan nhản trên đường bởi chỉ cần vài ba triệu đồng sắm sửa chiếc máy bơm, máy nén hơi để xì khô và một vài dụng cụ đơn giản khác đã có thể mở một cửa hàng rửa xe máy tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Với các điểm rửa xe ô tô, vốn liếng cần nhiều hơn, mặt bằng cũng rộng hơn, nhưng cũng không quá khó để triển khai. Chính vì vậy ở các thành phố lớn, các điểm rửa xe mọc lên với mật độ dày đặc, thậm chí trên một tuyến phố dài vài trăm mét có tới cả chục điểm rửa xe máy, ô tô.
Đáng nói là gần như tuyệt đại đa số các điểm rửa xe, kể cả xe máy hay ô tô ở Việt Nam đều không hề tuân thủ các điều kiện về đảm bảo môi trường. Dù cơ sở pháp lý, từ Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định và Thông tư hướng dẫn đều khá đầy đủ nhưng việc thực thi vào thực tế gần như bị bỏ qua. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, dịch vụ rửa xe thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường, chủ cơ sở phải dự báo các loại chất thải phát sinh và các biện pháp xử lý để giảm thiểu tác hại môi trường. Nhưng thực tế, tuyệt đại đa số các điểm rửa xe hiện nay đều xả trực tiếp ra lòng đường, vỉa hè. Bùn đất, nước thải tất tần tật đùn hết xuống cống rãnh.
Càng khó chấp nhận hơn là việc chính quyền và các cơ quan chức năng gần như vẫn đang buông lỏng quản lý và vô cảm với thực trạng trên. Từ khi Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định, thông tư liên quan có hiệu lực, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào thống kê và đánh giá cụ thể về mức độ gây ô nhiễm của loại hình dịch vụ này. Các cơ sở kinh doanh rửa xe vẫn hoạt động ngoài luồng, không hề có giấy phép kinh doanh cũng như phương án bảo vệ môi trường, vô tư xả nước thải ra đường. Còn các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ biết kêu khó, đùn đẩy trách nhiệm và gần như chưa xử lý bất kỳ trường hợp vi phạm nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận