Bia, rượu ngày Tết, quý ông cảnh giác với viêm tụy cấp và chảy máu tiêu hóa |
Mặc dù đã được cảnh báo về tác hại của rượu bia, tuy nhiên, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các ca cấp cứu bắt nguồn từ nguyên nhân này lại tăng vọt.
Viêm tuỵ cấp vì... "sâu" rượu
Được mệnh danh "sâu" rượu, bệnh nhân Nguyễn Văn D. (55 tuổi, Bắc Giang) hiện đang được điều trị tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai. Đây là lần thứ 3 trong năm mà ông D. buộc phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp nặng biến chứng suy đa tạng do rượu. Theo người nhà bệnh nhân, ông D. "nghiện" rượu 10 năm nay, ngày nào cũng tráng miệng lít rượu.
Theo TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai, đến 90% bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp là do uống rượu. Đặc biệt, trong những ngày này bệnh nhân viêm tuỵ cấp tăng vọt. Trong thể viêm tụy cấp nặng, bệnh nhân biểu hiện bằng bệnh cảnh suy nhiều cơ quan: sốc, suy hô hấp, suy thận… Nếu không được điều trị sớm, ở mức độ nặng, bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao 20-50%, trong bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng thứ phát. Nếu điều trị thành công, bệnh nhân trở về cuộc sống thì ăn uống kém, đi ngoài phân sống (do tụy bị hoại tử nên ảnh hưởng đến tiêu hóa); một số lại mắc đái tháo đường do viêm tụy.
"Ngày trước, với những người mắc bệnh viêm tuỵ cấp này tỷ lệ tử vong lên tới 50% giờ giảm hơn nhưng nó cũng là căn bệnh diễn biến nhanh và nguy hiểm", GS. Nguyễn Gia Bình, Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho biết.
Bệnh nhân chảy máu tiêu hoá cũng tăng mạnh
Cùng với viêm tụy cấp, chảy máu tiêu hóa cũng là căn bệnh đáng sợ của nhiều quý ông "mê" rượu trong dịp lễ Tết này. Đáng lưu ý là phần lớn bệnh nhân chảy máu tiêu hóa nhập viện đều có tiền sử xơ gan, tuy nhiên "bất chấp" bệnh tật họ vẫn uống rượu.
Nhiều người mặc dù có dấu hiệu như đi ngoài phân đen không không ngờ mình bị xuất huyết tiêu hóa, chỉ đến khi da xanh xao, người yếu mệt, hoa mắt, chóng mặt; thậm chí, có trường hợp mất máu mức độ nặng thường kèm theo triệu chứng sốc: da xanh tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu ít, khó thở, có thể co giật… mới nhập viện thì đã muộn.
BS. Khanh cho biết, nhân viên y tế "hãi" nhất khi điều trị cho những bệnh nhân chảy máu tiêu hóa là lúc bệnh nhân sảng rượu sau 2 ngày nhập viện không được dùng rượu. Lúc này bệnh nhân hoàn toàn mất kiểm soát, đập phá, la hét, không hợp tác... các bác sĩ phải "trói" bệnh nhân lại, tiêm thuốc an thần để điều trị.
Theo khuyến cáo của BS. Khanh, cách phòng bệnh tốt nhất là mọi người không nên uống bia rượu, nếu uống thì cần chừng mực và không kéo dài thời gian uống rượu rất dễ dẫn tới nghiện rượu. Lưu ý với những bệnh nhân có tiền sử bệnh gan, viêm dạ dày thì tuyệt đối tránh xa rượu, bia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận