Sáng 2/7, Tổ công tác liên ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm Tổ trưởng làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nguồn vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Nhiều dự án trọng điểm đang thiếu cát
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, hiện nay nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã được giao chỉ tiêu khai thác vật liệu cát để phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm.
Các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã gấp rút thực hiện, nhiều mỏ cát đã được cấp phép để đưa cát về công trường.
Tuy vậy, tại tỉnh Tiền Giang đang triển khai khá chậm, đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để cấp mỏ khai thác.
Tỉnh Tiền Giang được Chính phủ giao cung cấp khoảng 15,95 triệu m3 cát cho các dự án. Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 4,55 triệu m3; đường Vành đai 3 TP.HCM khoảng 6,6 triệu m3; dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,95 triệu m3; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,85 triệu m3.
Thứ trưởng cho rằng, vẫn có thể rút ngắn thêm thời gian cấp phép, khi rất nhiều thủ tục có thể thực hiện song song, không phải trong thời gian 60 ngày như tính toán của Tiền Giang.
"Bộ GTVT mong muốn ngay sau cuộc họp này, Tiền Giang khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan việc cấp phép các mỏ cát, gửi tổ công tác để báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các bước, ưu tiên giải quyết các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp phép các mỏ cát cung cấp cho dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Tiền Giang cần sớm thực hiện các thủ tục để điều chỉnh nội dung quy hoạch tỉnh để nâng công suất khai thác cát sông trên địa bàn.
"Riêng chỉ tiêu phân bổ cát cho các dự án còn lại đã được Phó thủ tướng Chính phủ giao, TP Cần Thơ và các chủ đầu tư khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan để có văn bản gửi tỉnh Tiền Giang", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói.
Tại buổi làm việc, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, theo phân bổ của Chính phủ, Tiền Giang sẽ cung cấp 6,6 triệu m3 cát cho dự án Vành đai 3, nhưng đến nay vẫn chưa có mỏ nào được khai thác. Trong khi đó, riêng nhu cầu cát từ nay tới tháng 8/2024 cho dự án là hơn 1 triệu m3.
"Do đó, Ban mong Tổ công tác và các địa phương hỗ trợ TP.HCM giải quyết các thủ tục để sớm cung cấp cát cho Vành đai 3, đảm bảo tiến độ đề ra", ông Phúc kiến nghị.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang thiếu khoảng 7 triệu m3 cát. Vừa qua, địa phương đã làm việc với tỉnh An Giang. Tỉnh này cam kết hỗ trợ khoảng 2,3 triệu m3, còn thiếu khoảng 4,5 triệu m3 nên đề nghị Tiền Giang xem xét hỗ trợ.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề xuất, khi cấp phép khai thác cát cho các chủ mỏ, tỉnh Tiền Giang gắn điều kiện phải cung cấp một phần cho các dự án do Ban làm chủ đầu tư.
Ưu tiên 3 mỏ cát cho Vành đai 3
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Tiền Giang được giao cung ứng gần 16 triệu m3 cát cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.
Quyết định 1762 cho phép nâng công suất cấp phép khai thác cát từ 4,5 triệu m3/năm lên 9 triệu m3/năm. Do đó, tỉnh đề nghị bộ, ngành hướng dẫn các thủ tục liên quan để trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch của tỉnh về nâng công suất để vừa thực hiện dự án giao thông trọng điểm quốc gia, vừa triển khai các dự án ở địa phương.
Theo ông Trọng, việc khai thác các mỏ cát ở Tiền Giang nhưng để phục vụ thi công các dự án ở địa phương khác sẽ rất khó giải thích với cử tri. "Vì vậy, buổi làm việc hôm nay chúng tôi mong muốn có những hướng dẫn để tỉnh tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là vấn đề thủ tục cấp phép khai thác. Tỉnh đã ưu tiên 3 mỏ cát cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM", ông Trọng nói.
Ông Trần Phương, Phó cục trưởng Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, quy trình thủ tục cấp giấy phép khai thác cát cần phải rút gọn hơn bằng cách thay đổi cách làm việc.
Thay vì gửi văn bản xin ý kiến tham vấn các cơ quan có liên quan thì nên tổ chức cuộc làm việc giữa cơ quan này, ghi biên bản, sau đó trình cấp thẩm quyền ký giấy phép. Có như vậy mới đảm bảo được tiến độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận