Xem - ăn - chơi

Sách Họa sĩ khóa kháng chiến bị tố bôi nhọ nhân vật nổi tiếng

04/10/2017, 07:31

Cuốn sách Họa sĩ khóa kháng chiến đã gặp rắc rối trong phần đề cập tới cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm.

23

Bìa cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến (1950-1954)”

Những trang viết ố màu

Trong quá khứ, thế hệ họa sĩ đầu tiên xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay) vẫn được gọi nôm na là Khóa nghệ sĩ kháng chiến. Dưới sự đào tạo của bậc thày Tô Ngọc Vân, 22 sinh viên sau này phần lớn đều trở thành những tên tuổi định hình cả một giai đoạn của Mỹ thuật Việt Nam như: Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam… Theo đó, đã có một công trình sưu tầm đầy tham vọng mang tên Họa sĩ khóa kháng chiến (1950-1954) của tác giả Đào Mai Trang ra đời. Nhưng cuốn sách chưa kịp phác họa bức tranh lịch sử mỹ thuật tươi đẹp thì đã xuất hiện vệt ố loang lổ.

Cụ thể, nếu chỉ đọc những nội dung viết trong các trang từ 127-133, thì cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm chắc chắn hiện lên trong mắt bạn đọc chỉ là một anh họa sĩ quê bần hàn ít học. Sách đưa ra những lời bình như: “Về Hà Nội, phần do xuất thân, phần do những hạn chế nhất định trong vốn kiến thức chung, ông Kiệm không có tham gia gì nhiều vào các tranh luận hay phong trào này kia”; “chú Kiệm đã không có điều kiện được học bài bản từ thuở nhỏ” hay “không chắc ông Kiệm có thể đọc một vài cuốn sách nào đó về nghệ thuật”. Thậm chí, cuốn sách còn đi xa hơn khi vẽ nên một Nguyễn Trọng Kiệm nghiện rượu đến tan nát cả sự nghiệp nghệ thuật, không được cất nhắc trong cơ quan “do việc uống rượu gây nhiều cản trở”…

Nếu so với một Nguyễn Trọng Kiệm hừng hực khí thế sáng tác ngoài đời, người đã tạo ra cuộc cách tân trong nghệ thuật tranh sơn dầu trong giai đoạn 1958-1960, thì Nguyễn Trọng Kiệm trong Họa sĩ khóa kháng chiến rõ ràng khác xa một trời một vực. Phản ứng về những trang viết “nhàu nhĩ” này, họa sĩ Nguyễn Trần Minh, con trai cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm không kìm được cảm xúc phải thốt lên: “Sách có những thông tin bóp méo sự thật, bôi nhọ vong linh người đã khuất”. Theo đó, ông Nguyễn Trần Minh gửi đơn kiến nghị tới hàng loạt cơ quan chức năng như Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam, NXB Mỹ thuật để kiến nghị dừng phát hành và thu hồi cuốn sách Họa sĩ khóa kháng chiến (1950-1954). Từ một công trình có ý nghĩa quan trọng, cuốn sách đang có nguy cơ trở thành “cú phốt” xuất bản lớn nhất năm, với tính chất nghiêm trọng, thậm chí còn hơn các vụ thu hồi ấn phẩm trước đó.

Chủ ý tốt, cách làm sai

Viết về chân dung người đã khuất chưa bao giờ là điều đơn giản. Thông thường, nguồn tin thân cận và dễ dãi nhất chính là gia đình người quá cố. Song trong vụ việc này, người viết cuốn Họa sĩ khóa kháng chiến (1950-1954), Đào Mai Trang đã thất bại khi tiếp cận nguồn tin đó. Gia đình cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm từ chối cung cấp thông tin vì nhiều lý do (trong đó có việc bảo vệ tác phẩm khỏi bị làm nhái). Hệ quả là tác giả phải tìm đến nguồn tư liệu thứ hai – đồng nghiệp, bè bạn, mà cụ thể ở đây là phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Đức Hòa. Theo ông Nguyễn Trần Minh, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa “chỉ thuộc thế hệ sau, không hiểu gì”. Thay vì những nhận định về nghệ thuật và chuyên môn, những câu trả lời trong cuốn sách phần lớn đi vào tiểu tiết sinh hoạt, khai thác các thói tật đời thường của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm như hay uống rượu. Cách nhau một thế hệ dẫn đến một góc nhìn hoàn toàn khác, khiến câu chuyện bị đẩy đi quá xa.

Họa sĩ Lê Trí Dũng, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, phương thức triển khai nội dung của cuốn Họa sĩ khóa kháng chiến (1950-1954) đã bị phản tác dụng: “Những thông tin trong sách không khách quan. Việc uống rượu hầu như 90% họa sĩ nam ở Việt Nam thời xưa đều có. Bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái xưa cũng thế, đâu chỉ một mình cụ Nguyễn Trọng Kiệm?”. Theo đó, họa sĩ Lê Trí Dũng bày tỏ sự tiếc nuối cho công trình này: “Đây không phải là một công trình đầu tiên, hay quy mô nhất, nhưng là công trình viết tốt về cả một thế hệ họa sĩ. Chủ đích của nó tốt nếu làm theo tôn chỉ tôn vinh các giá trị nghệ thuật, nhưng vì tổ chức chưa khéo mà thành không tốt!”.

Bên cạnh đó, ông Lê Trí Dũng cũng nhấn mạnh rằng, cuốn sách có dấu hiệu bất ổn trong khâu phát hành. “Mới chỉ có giấy phép xuất bản, chưa có giấy phép phát hành đã tổ chức họp báo rầm rộ, ra mắt, đưa sách đến tay nhiều người là vi phạm rõ ràng”, ông Dũng phân tích.

Từ phía Nhà xuất bản Mỹ thuật, Giám đốc Đặng Thị Bích Ngân đã có phản hồi về vụ việc. Theo bà Ngân: “NXB Mỹ thuật đã nhận được tin nhắn của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa. Anh rất ân hận về bài viết của mình và đã nhận lỗi, muốn gỡ bỏ bài viết đó trong cuốn sách. NXB Mỹ thuật sẽ có phương thức chỉnh sửa lại sách cho hợp lý và thỏa đáng!”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.