Đừng tự chữa đột quỵ bằng các loại thuốc - Ảnh minh họa. |
Hỏi: Tôi vẫn nghe mọi người nói, nếu gặp trường hợp bệnh nhân đột quỵ, nên cho bệnh nhân uống thuốc An cung hay nặn máu ở đầu ngón tay, chân. Liệu làm vậy có đúng không thưa bác sĩ?
Nguyễn Mai Hoàn
(Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Trả lời: Cách chữa trị dân gian được mọi người hay truyền tai nhau là nặn máu ở tay, chân, dái tai đều không có tác dụng bởi các nghiên cứu về đột quỵ đều cho rằng, nó là phương pháp sai khoa học.
Bên cạnh đó, cũng lưu ý không nên sử dụng An cung, bởi công dụng của An cung là giúp thông suốt mạch máu, tuy nhiên khi đột quỵ, hoàn toàn không thể xác định được bệnh nhân bị xuất huyết não hay nhồi máu não. Chính vì vậy, việc gia đình cố ý cho bệnh nhân sử dụng thuốc khi không xác định rõ nguyên nhân sẽ gây thêm nguy hiểm cho người bệnh.
Khi gặp trường hợp đột quỵ, không cho người bệnh ăn bất cứ thứ gì kể cả thuốc tây, thuốc đông y bởi khi đó sẽ có rối loạn về nuốt, nhai có thể gây sặc vào phổi ảnh hưởng đến hô hấp. Tốt nhất, nên cho người bệnh nằm nghiêng 450, gọi 115. Trong thời gian chờ 115 tới, bạn có thể giúp người bệnh lau dãi ở miệng để tránh sặc. Nếu người bệnh có dấu hiệu ngừng tim cần sự hỗ trợ của người xung quanh để sơ cứu. Thời gian vàng từ 4-6h đầu của điều trị đột quỵ rất quan trọng, bệnh nhân vào viện càng sớm thì cơ hội cứu sống càng cao, di chứng càng ít.
Tuy nhiên, thực tế, không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết để bệnh nhân ở nhà tự điều trị bằng thuốc khiến họ bị mất cơ hội điều trị. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ nhưng người nhà lại nhét thuốc vào miệng khiến bệnh nhân ho sặc, khi đến viện thường có tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến bệnh viện.
TS. BS. Mai Duy Tôn
Trưởng phòng Cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận