4 trong số 6 mỏ cát có sai phạm
Khu vực sông Tiền, sông Hậu có 6 mỏ cát được UBND tỉnh An Giang cấp phép cho 5 doanh nghiệp khai thác với trữ lượng gần 3,2 triệu m3 để phục vụ san nền dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Hải Toàn được khai thác 300.000 m3; Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang khai thác 2 mỏ, 750.000 m3; Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 hơn 1,2 triệu m3. Hai doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thủ Tuyền cùng được khai thác 450.000 m3.
Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm, 3 trong 6 mỏ cát trên do doanh nghiệp Hải Toàn và Tân Lê Quang khai thác đã bị UBND tỉnh An Giang thu hồi giấy phép. Còn mỏ cát do Trung Hậu - Tổng 68 khai thác vượt trữ lượng cấp phép 3,2 triệu m3. Nhiều người liên quan bị khởi tố.
Sai phạm của các doanh nghiệp trong việc khai thác dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cát đắp nền cho dự án trọng điểm quốc gia. Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, cho biết dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đi qua địa bàn tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ.
An Giang được Thủ tướng giao làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 1, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư gần 13.530 tỷ đồng. Ngay sau lễ khởi công, đơn vị đã bắt tay vào việc nhưng cái khó hiện nay là nguồn cung cát đắp nền bị đứt gãy, gây khó khăn cho thi công.
"Sau vụ việc khai thác cát trái phép liên quan nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, nguồn cát đắp nền đang bị khan hiếm. Dự án cao tốc đang được triển khai, sợ thiếu cát thì việc thi công dự án trọng điểm quốc gia gặp khó khăn", ông Du nói.
Tăng cường biện pháp giám sát khai thác cát
Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3 cát để cung cấp cho 4 công trình giao thông. Tuy nhiên, Lê Quang Bình, Chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc Công ty Trung Hậu - Tổng 68 đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chỉ đạo khai thác cát vượt trữ lượng được cấp phép.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định Công ty Trung Hậu - Tổng 68 đã khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng.
Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do họ thành lập, quản lý mua hóa đơn khống để hợp thức nguồn gốc cát lậu.
Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra, Lê Quang Bình và một số thuộc cấp dùng số tiền thu được từ hoạt động khai thác cát trái phép để chi "lót tay" cho một số cán bộ cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Liên quan đến vụ án này, ngày 15/8, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang. Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng bị bắt tội nhận hối lộ.
Trước thực trạng này, cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã có chỉ đạo về việc quản lý chặt chẽ nguồn cát trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, phải lắp đặt camera trên từng phương tiện khai thác để kiểm soát sản lượng, khối lượng cát tại mỏ khai thác.
Đơn vị vận chuyển phải cung cấp số hiệu từng sà lan đã đăng ký vận chuyển cát phục vụ công trình, dự án cụ thể và phải lắp đặt định vị để lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát...
"Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện các dự án nạo vét thông luồng hoặc nạo vét chỉnh trị dòng chảy kết hợp thu hồi khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng quy định", ông Bình cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận