Theo báo cáo nghiên cứu tính khả thi về CHK quốc tế Long Thành vừa được công bố, Long Thành sẽ trở thành CHK quốc tế đầu tiên của Việt Nam được trang bị các hệ thống siêu hiện đại áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất hiện nay vào quản lý và khai thác sân bay nhằm đảm bảo an toàn, an ninh. Việc áp dụng này là mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã trở thành xu hướng cải thiện và xây dựng sân bay trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây.
Xu hướng tất yếu
Viễn cảnh tương lai khi hành khách có thể tự thực hiện các thủ tục lên máy bay nhờ sự giúp đỡ người máy tại chatbot (chương trình máy tính có khả năng trò chuyện giống như con người, bằng việc nhận và trả lời thông điệp, phục vụ mục đích tự động hóa quy trình kinh doanh); hành lý được robot tự động lấy và quét kiểm tra an ninh; tại cửa hải quan, bạn chỉ cần đưa thông số sinh trắc học (như khuôn mặt) ra trước camera để qua điểm kiểm tra an ninh là có thể lên máy bay, sẽ không còn xa vời khi xu hướng xây dựng sân bay thông minh, tự động hoá đang trở thành tất yếu trên toàn thế giới.
Theo báo cáo mới nhất về Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào vận tải hàng không năm 2017 do Công ty Công nghệ thông tin đa quốc gia SITA (viết tắt của Société Internationale de Télécommunications Aéronautiques) thực hiện, trong vòng 5 - 10 năm tới, sẽ có khoảng một nửa số hãng hàng không và sân bay trên thế giới sử dụng công cụ dự đoán dựa trên nền tảng AI và nhận thức điện toán (cognitive computing).
Trí thông minh nhân tạo gần như được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực hàng không từ robot check-in đến máy nhận diện khuôn mặt tại các cửa hải quan.
Năm ngoái, Chính phủ Anh đầu tư 1,8 tỉ bảng vào phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường an ninh và giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục trên một số sân bay bận rộn nhất của Vương quốc này.
Gần đây, Cơ quan An ninh giao thông Mỹ cũng cho ra mắt một số máy chụp cắt lớp vi tính mới, sử dụng AI để nhận diện mối đe doạ tại các sân bay lớn như Cảng hàng không quốc tế Los Angeles, John F. Kennedy và Phoenix.
Ví dụ khác rõ ràng nhất về việc áp dụng trí thông minh nhân tạo vào đơn giản hoá thủ tục sân bay và nâng cao an ninh an toàn có thể kể đến Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Nước này có hẳn một Bộ Trí tuệ nhân tạo và đang triển khai áp dụng loại công nghệ AI vào sân bay quốc tế Dubai với tham vọng đưa sân bay này trở thành CHK hiện đại nhất thế giới.
Sân bay Dubai được thông minh hóa gần như tất cả các dịch vụ từ cổng kiểm tra hải quan đến quét hành lý, quản lý không lưu, nhận diện hành khách bằng công nghệ sinh trắc học… Trong đó, Bộ Trí tuệ nhân tạo của UAE dự tính, đến năm 2020, trí tuệ nhân tạo có thể thế chỗ các nhân viên hải quan. Hành khách đến đây chỉ cần đi qua hệ thống an ninh được hỗ trợ bởi AI.
Họ có thể thoải mái di chuyển, không cần mất công cởi giày, thắt lưng, đồng hồ… hoặc thậm chí lôi đồ vật trong túi ra và máy tự động được quét toàn thân.
Hiện tại, sân bay Dubai đã thử nghiệm cổng thông minh với thiết kế như một đường hầm nhỏ đi xuyên qua bể cá ảo. Những chú cá bơi tung tăng trong đó chính là những con cá kỹ thuật số và khi du khách mải ngắm nhìn thiết kế thú vị này, camera sẽ tự động soi xét mọi góc cạnh trên khuôn mặt họ, từ đó, hoạt động nhận dạng diễn ra rất nhanh gọn.
Những nguy cơ rình rập
Tuy nhiên, dù được coi là tương lai của ngành hàng không nhưng AI vẫn có những điểm yếu. Chẳng hạn, để đồng bộ hoóa sân bay theo hướng thông minh cần mất rất nhiều thời gian thực hiện.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo thay thế hoàn toàn thủ tục hải quan không phải là sáng kiến hay. Không nói đâu xa, vụ tai nạn liên quan đến máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Ethiopian Airlines vừa qua chính là một minh chứng rõ ràng cho thấy điểm yếu của công nghệ AI trong lĩnh vực hàng không.
Chiếc Boeing 737 đã gặp nạn chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Thủ đô Ethiopia và đến thời điểm này, nguyên nhân chính được cho là đến từ lỗi Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) của Boeing 737.
Bên cạnh đó, AI cũng khá đắt đỏ. Đơn cử, để triển khai một chatbot đã tiêu tốn khoảng 15.000 USD.
Chưa kể, việc áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của sân bay còn tiềm ẩn nguy cơ dễ bị tấn công mạng.
Ông Ilya Gutlin, Chủ tịch Giải pháp vận tải hàng không thuộc SITA cho biết, ngành vận tải hàng không thế giới đang trải qua cuộc chuyển đổi kỹ thuật và tập trung chú ý vào bảo vệ doanh nghiệp cùng hành khách. “Tấn công mạng thực sự là mối đe doạ rất lớn trong ngành vận tải hàng không vì việc xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận