CHK quốc tế Vân Đồn sẽ tự tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không(Trong ảnh: Kiểm tra an ninh tại CHK quốc tế Nội Bài ) - Ảnh: Tạ Tôn |
ACV quản lý hay Vân Đồn tự đảm nhiệm?
Triển khai lực lượng ANHK tại CHK quốc tế Vân Đồn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Hiện, Cục Hàng không VN đã đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1, sẽ giao TCT Cảng hàng không VN (ACV) chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK để đảm bảo an ninh và cung cấp dịch vụ ANHK tại đây. ACV chịu trách nhiệm và chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị phương tiện, một số trang thiết bị… nhân viên kiểm soát ANHK. Đồng thời, tổ chức đào tạo, huấn luyện cho nhân viên kiểm soát ANHK làm quen với trang thiết bị, quy trình để đảm bảo triển khai khi CHK quốc tế Vân Đồn đưa vào khai thác. Trong khi đó, phía chủ đầu tư - Tập đoàn Sun Group chịu trách nhiệm đầu tư, mua sắm, lắp đặt máy soi chiếu tia X, máy phát hiện chất nổ, cổng từ, camera giám sát ANHK và kết cấu hạ tầng đảm bảo ANHK theo quy định.
“Một hợp đồng ký kết giữa ACV và CHK quốc tế Vân Đồn sẽ được thực hiện trong đó nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các bên cũng như trách nhiệm về tài chính của các bên tương ứng với nhiệm vụ được phân công (việc chủ trì thu giá dịch vụ đảm bảo ANHK, phân chia nguồn thu, chi dịch vụ; Trách nhiệm sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng bảo đảm ANHK…).
Với phương án 2, Cục Hàng không VN đề xuất để Công ty CP Đầu tư và phát triển Vân Đồn (CHK quốc tế Vân Đồn) sẽ tự tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK. Đây là đề xuất rất mới, bởi hiện trên cả nước có 21/21 CHK do ACV quản lý khai thác. Công tác đảm bảo ANHK tại 21 cảng này đều do ACV trực tiếp tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK (bao gồm cả nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa).
Cân nhắc thiệt hơn
Một điểm đáng lưu ý theo nguồn tin của Báo Giao thông là trong hợp đồng BOT dự án CHK quốc tế Vân Đồn đã ký giữa Tập đoàn Sun Group và UBND tỉnh Quảng Ninh có điều khoản nêu rõ “Tập đoàn Sun Group cung cấp dịch vụ bảo đảm ANHK”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu để ACV đảm nhiệm việc tổ chức lực lượng ANHK tại CHK quốc tế Vân Đồn sẽ có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng BOT, do điều chỉnh phương án tài chính ban đầu vì sự thay đổi số liệu thu, chi của dịch vụ bảo đảm ANHK. Đó là chưa nói đến việc ACV cũng sẽ phát sinh thêm chi phí để duy trì lực lượng an ninh tại CHK quốc tế Vân Đồn trong khi những năm đầu đưa vào khai thác, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua cảng này chưa cao và doanh thu từ dịch vụ bảo đảm an ninh còn hạn chế.
Ngoài ra, ACV và Tập đoàn Sun Group cũng sẽ phải thống nhất việc phân chia nguồn thu, chi phí, phân chia trách nhiệm, quyền hạn, phối hợp trong công tác đảm bảo ANHK. “Việc này sẽ phải mất thời gian để 2 bên làm việc thống nhất. Vì vậy, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch đưa CHK quốc tế Vân Đồn và khai thác từ tháng 3/2018”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nhận định.
Ngược lại, nếu để CHK quốc tế Vân Đồn tự tổ chức lực lượng ANHK, sẽ không phải điều chỉnh và phê duyệt lại Báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như không phải đàm phán, sửa đổi về vấn đề cung cấp dịch vụ ANHK trong hợp đồng BOT đã ký. CHK quốc tế Vân Đồn hoàn toàn chủ động trong tổ chức điều hành, tự cân đối tài chính để bảo đảm ANHK, chủ động bảo đảm tiến độ khai thác vào tháng 3/2018.
Tất nhiên, phương án để CHK quốc tế Vân Đồn tự tổ chức lực lượng ANHK không phải không có nhược điểm. Theo các chuyên gia hàng không, nhược điểm lớn nhất là Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn chưa có kinh nghiệm, nếu tự triển khai chắc chắn sẽ vẫn cần sự hỗ trợ của ACV trong đào tạo, huấn luyện lực lượng kiểm soát ANHK cũng như trong thời gian đầu hoạt động. Ngoài ra, lực lượng kiểm soát ANHK thực hiện nhiệm vụ đặc thù, liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia nhưng lại trực thuộc doanh nghiệp CHK quốc tế Vân Đồn là một doanh nghiệp tư nhân.
Được biết, Cục Hàng không VN đã đề xuất lựa chọn phương án 2, để CHK quốc tế Vân Đồn tự tổ chức lực lượng ANHK. Hiện, vẫn chưa có quyết định cuối cùng từ Bộ GTVT về vấn đề này.
VATM sẽ đảm nhiệm điều hành bay Nếu như việc quyết định ai sẽ đứng ra tổ chức điều hành lực lượng ANHK vẫn đang được các cơ quan chức năng cân nhắc, quyết định thì cơ quan đảm nhiệm công tác điều hành bay lại khá rõ ràng. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN (VATM) cho biết, hợp đồng BOT mà tỉnh Quảng Ninh đã ký với nhà đầu tư, phần quản lý khai thác nêu rõ: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là VATM. VATM có trách nhiệm quản lý và tổ chức vận hành các hạng mục, công trình bảo đảm hoạt động bay do doanh nghiệp dự án chuyển giao sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng để cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo đúng quy định của pháp luật. “VATM đã báo cáo Bộ GTVT và bộ đã có văn bản yêu cầu chúng tôi chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng khi CHK quốc tề Vân Đồn đưa vào khai thác”, ông Long nói và cho biết thêm: Thực tế, toàn bộ khâu thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, VATM chịu trách nhiệm kiểm tra tất cả mọi thứ để tư vấn cho nhà đầu tư, làm cơ sở để nhà đầu tư phê duyệt. Khi thực hiện lắp đặt, VATM cũng giúp cử người giám sát, ít nhất một hệ thống một lần. VATM cũng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức vùng trời, khu vực trách nhiệm, đường hàng không, quy chế bay, phương thức bay; Kế hoạch, tài liệu hướng dẫn khai thác cũng như công tác hiệu chuẩn, hồ sơ cấp phép cho cơ sở cung cấp dịch vụ, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay… trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. T.B (Ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận