Mùa nước nổi, cá linh bắt đầu về
Người dân đổ buôn cá linh cho thương lái với giá được khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.
Những ngày này, dạo quanh các cánh đồng xả lũ trên huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp dễ dàng bắt gặp rất đông người dân đánh bắt cá linh non đầu mùa lũ. Cá linh non đầu mùa là đặc sản, được nhiều người ưa chuộng.
Cá linh thuộc họ cá chép, có nguồn gốc từ Biển Hồ, Campuchia. Đây là loại cá có kích thước nhỏ, con trưởng thành có thể to hơn hai ngón tay và cá nhỏ chỉ to bằng chiếc đũa.
Cá linh xuất hiện nhiều nhất vào mùa nước nổi, tức là nguồn nước từ trên thượng nguồn đổ về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông thường, bắt đầu từ đầu tháng 7 âm lịch, khi các cánh đồng xả lũ ngập nước trắng xóa, người dân giăng lưới, đặt lờ, đặt dớn... đánh bắt cá linh non.
Anh Trần Văn Hừng (ngụ phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, những ngày đầu mùa lũ, mực nước còn thấp nên cá chưa nhiều.
Hiện tại, với chục cái dớn, mỗi ngày, anh Hừng đánh bắt được từ 20-30kg cá. Như vậy, cũng đủ để gia đình sống khỏe trong mùa lũ.
"Chỉ mới đầu mùa khai thác, nên sản lượng cá linh non chưa nhiều. Mức giá vì thế cũng khá cao, cá chưa làm sẵn bán ở chợ 150.000-200.000 đồng/kg, tùy cự ly di chuyển.
Cá đã làm sẵn, giá có thể ở ngưỡng 300.000-350.000 đồng/kg. Còn chúng tôi bán cho thương lái chỉ được khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.
Hy vọng thời gian tới con nước sẽ lên cao, khi đó cá, tôm mới nhiều, người dân vùng đầu nguồn có thêm thu nhập", anh Hừng nói.
Theo nhiều người dân ở vùng lũ Hồng Ngự, mực nước trong tháng 8 vừa qua còn thấp hơn cùng kỳ mùa lũ năm rồi khoảng 2 tấc. Nhưng lượng cá linh non theo con nước về cũng giúp người dân có thêm thu nhập.
Ông Mai Văn Phương (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nói: "Cư dân vùng lũ chúng tôi luôn mong ước con nước lên cao hơn để có nhiều cá, tôm hơn. Năm nào nước lớn, người dân càng mừng vì đồng ruộng được bồi đắp phù sa, cá cũng nhiều nữa".
Tăng thêm thu nhập nhờ mùa nước nổi
Cá linh có kích thước nhỏ, con trưởng thành có thể to hơn hai ngón tay, con nhỏ chỉ to bằng chiếc đũa.
Ngày thường, chị Nguyễn Thị Điểm (ngụ xã Thượng Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) làm ruộng. Khi nước tràn đồng, chị trở thành bạn hàng, thu mua tất cả sản vật người dân đánh bắt được trong mùa nước nổi.
Chị cho biết, khi cắt xong vụ lúa hè - thu là tranh thủ thu xếp vào ở trong căn chòi giữa đồng (cách nhà hơn 5km) để thuận tiện việc mua bán, vì người dân thường đánh bắt thủy sản vào ban đêm và mang đi bán lúc rạng sáng.
"Hiện, mỗi ngày tôi mua được khoảng vài chục kg cá các loại, chủ yếu là cá linh để cung cấp cho một số tỉnh miền Tây và TP.HCM. Mua của người dân, cân lại cho bạn hàng, mỗi kg cá lời 10.000 đồng", chị Điểm nói.
Không giăng lưới, đặt lờ, đặt lợp hay đặt dớn như những hộ dân khác, ông Mai Thanh Hồng (59 tuổi, ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) dạo quanh các chợ đầu mối để thu mua cá chết về bán lại cho những hộ dân chuyên ủ mắm.
Ông cho biết, nước lũ năm nay về ít nên mỗi ngày thu gom vài chục kg cá, thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày, đủ để gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Năm (60 tuổi, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nói: "Lớn tuổi rồi đâu có làm gì được, mùa nước nổi tràn đồng tôi bơi xuồng đi hái bông điên điển, rau muống đồng và bắt ốc bán lại cho chợ đầu mối. Chơi chơi vậy vừa lao động cho giãn gân cốt, vừa kiếm mỗi ngày được khoảng 100.000 đồng, cũng vui".
Một mùa lũ nữa lại bắt đầu về trên quê hương Đồng Tháp, người dân ở vùng đầu nguồn đang trông chờ nước lũ lên cao hơn để mang về phù sa bồi đắp cho ruộng đồng tốt tươi và có nhiều tôm, cá.
Là đặc sản mùa nước nổi nên cá linh non luôn hút hàng, có thể chế biến rất nhiều món ăn, như chiên bột ăn kèm rau sống, nấu canh chua, kho ớt hay nhúng giấm...
Thời gian gần đây, nhiều người còn chế biến thêm món lẩu. Về cơ bản, lẩu cá linh vẫn có vị chua, nhưng biến tấu cho hợp khẩu vị của thực khách ở vùng, miền khác nhau.
Mỗi năm chỉ có một mùa, với người sành ăn, cá linh non dù chế biến theo kiểu nào vẫn có mùi thơm, vị ngọt của cá đồng được kết tinh từ phù sa châu thổ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận