Dự án chưa đủ điều kiện đã rao bán
Sàn bất động sản, nhân viên môi giới là trung gian, tư vấn cho người mua nhà về căn hộ mà họ đang tìm kiếm; Cũng thay khách hàng thẩm định chất lượng, giá và pháp lý của dự án, nhằm đưa cho khách hàng những sản phẩm an toàn.
Thế nhưng, thời gian qua, không ít nhân viên môi giới, sàn giao dịch bất động sản tư vấn, bán những dự án bất động sản khi chưa đủ điều kiện, gây nhiều rủi ro cho người mua nhà.
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội phường Trung Văn
Đơn cử như tại dự án nhà ở xã hội tại phường Trung Văn hay còn gọi nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 4 làm chủ đầu tư.
Ngay từ khi khởi công xây dựng và chưa được phép mở bán, nhưng thông tin rao bán căn hộ nhà ở xã hội này đã được đăng công khai trên mạng xã hội. Theo quảng cáo, khách mua nhiều suất ngoại giao căn đẹp, hướng đẹp với mức tiền chênh từ 250-300 triệu đồng/căn tùy từng vị trí.
Liên hệ tới số điện thoại đăng tải, phóng viên nhận được tư vấn của một nhân viên môi giới. Người này cho biết, mình đang làm tại sàn Phúc Hà Land. Sàn này được chủ đầu tư để bán 50 căn nhà ở xã hội.
Hay như tại dự án Khu đô thị FLC Premier Parc Đại Mỗ, hàng trăm người mua nhà đang là nạn nhân của việc mua căn hộ chung cư CT2 khi chủ đầu tư chưa được phép mở bán, huy động vốn.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lực lượng môi giới bất động sản hiện có 300.000 người hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập. Tuy nhiên, trong đó chỉ có hơn 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Người mua nhà dự án này cho biết, dù dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định, nhưng từ tháng 11/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLC Homes (FLC Homes) thuộc Tập đoàn FLC giao cho Công ty cổ phần Dịch Vụ & Địa Ốc Đất Xanh Miền Bắc (Đất Xanh Miền Bắc) mở bán căn hộ chung cư này.
Để "lách luật" bán dự án chưa đủ điều kiện, chủ đầu tư đã ký "văn bản thỏa thuận" với khách hàng. Số tiền mà khách hàng đã đóng được chuyển thành "phí dịch vụ tư vấn đăng ký chọn mua căn hộ hình thành trong tương lai".
Trên chỉ là hai trọng số sự việc nóng, đang được sư luận quân tâm. Trên thực tế, tình trạng huy động vốn "trá hình", mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện diễn ra phổ biến, khiến không ít cơ quan chức năng đau đầu, thị trường nhiễu loạn.
Mạnh tay xử lý môi giới, sàn giao dịch bán dự án chưa đủ điều kiện
Đáng nói, lợi ích thu được từ khách hàng thì các bên hưởng chung, nhưng trách nhiệm thì lại chạy lòng vòng. Khi xảy ra rủi ro, thiệt hại, người mua nhà chẳng biết kêu ai.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về trách nhiệm của mình tại Premier Parc Đại Mỗ, đại diện Đất Xanh Miền Bắc (ĐXMB) cho biết, theo hợp đồng dịch vụ tư vấn bất động sản ký giữa ĐXMB và Chủ đầu tư FLCHomes, ĐXMB được FLCHomes ủy quyền tìm kiếm khách hàng, tư vấn thông tin dự án tới khách hàng...
ĐXMB được chủ đầu tư FLCHomes ủy quyền thu hộ tiền đảm bảo từ khách hàng và đã chuyển toàn bộ khoản tiền này cho phía chủ đầu tư theo quy trình tư vấn. Do đó, ĐXMB cho rằng, chủ đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm về tiến độ xây dựng và pháp lý dự án.
Trong khí đó, thông tin từ FLCHomes cho biết, đơn vị này đang làm việc với khách hàng. Thông tin cụ thể đơn vị sẽ trao đổi với từng khách hàng một.
Còn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phường Trung Văn, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS cho biết, dự án đang thi công hạng mục cọc, móng và tầng hầm, nhưng dự án vẫn chưa đủ điều kiện đăng ký chào bán, cho thuê.
Chủ đầu tư khẳng định chưa làm việc, ký hợp đồng dịch vụ với bất cứ đơn vị môi giới trung gian nào về kinh doanh căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này.
Trong khi trách nhiệm chạy lòng vòng, các bên liên quan "đang xử lý" hay "đang làm việc" thì người mua nhà vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi, chưa có nhà ở mà vẫn phải gánh nợ.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam thừa nhận, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn có những hành vi chưa chuẩn mực như tư vấn những dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, có hành vi "găm đất", "thổi giá" tạo sốt ảo, lũng loạn thị trường.
Nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án lừa đảo khách hàng, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính.
Theo vị chuyên gia này, ngoài các quy định xử phạt, cần một nền tảng, một quy chuẩn chung của toàn thị trường để nhân sự gia nhập vào lĩnh vực tư vấn bất động sản có thể đạt được những tiêu chí cơ bản đó; đồng thời thể hiện được chất lượng nhân lực xứng tầm với giá trị của sản phẩm bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin sai sự thật với mục đích chiêu dụ khách hàng mua đất ở một khu vực khác hoặc lừa đảo.
Bởi pháp luật đã quy định rõ nếu ai thông tin sai sự thật, phát sinh hậu quả thì phải bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chuyên gia khác cho rằng, việc tư vấn những dự án chưa đủ điều kiện cho người mua nhà, dẫn đến rủi ro cho hàng trăm người. Họ không những không có nhà ở mà gánh trên mình khoản nợ rất lớn. Đây là hành vi trái đạo đức nghề nghiệp, tác động lớn đến an sinh xã hội.
Do đó, cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa, không chỉ dừng lại ở xử phạt mà cần cấm cửa những sàn giao dịch, môi giới làm ăn bát nháo. Chỉ có làm mạnh tay, dứt điểm mới giúp thị trường bất động sản lành mạnh, bình ổn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận