Điện ảnh

Sân khấu kịch cháy vé mùa Tết nhờ đâu?

07/02/2023, 06:24

Sau hai năm “đóng băng” vì dịch Covid-19, sân khấu phía Nam đánh dấu một mùa Tết hồi sinh mạnh mẽ khi khán giả nô nức tới rạp.

Tăng suất diễn vẫn cháy vé

Mùa Tết Quý Mão 2023 vừa qua, nhiều sân khấu sáng đèn từ sáng tới đêm. Các suất diễn đều được lấp đầy từ 70 - 100% khán phòng. Thậm chí, nhiều vở đã tăng suất diễn để phục vụ nhu cầu khán giả ở mọi lứa tuổi.

img

NSƯT Hoài Linh tái xuất sân khấu kịch Tết trong vở "Thả thính mà hổng dính"

Điển hình như vở “Thả thính mà hổng dính” của Sân khấu Thế giới trẻ phải tăng 3 suất diễn trong Tết. Các suất diễn đều được bán hết vé VIP qua hệ thống trực tuyến từ đầu tháng 1 (tức cuối tháng Chạp năm Nhâm Dần).

Mùa kịch Tết vẫn là cơ hội cho sân khấu thăm dò thị hiếu từ khán giả. Do đó, các đơn vị cần nhìn nhận lại những thiếu sót và khắc phục, có hướng đi phù hợp để phát triển lâu dài trong bối cảnh khó khăn.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM


Các vị trí ngồi còn lại đều đã được khán giả mua hết từ mùng 1 - 6 Tết. Từ mùng 6 Tết, sân khấu tiếp tục bán vé cho những khán giả có nhu cầu xem tới ngày 15 tháng Giêng.

Chung niềm vui, dù mùa kịch Tết năm 2023 vắng bóng gương mặt kỳ cựu NSƯT Thành Lộc, nhưng tất cả vé của Sân khấu Kịch Idecaf đã bán hết từ trước Tết.

Trong đó, những vở cũ như “Thuốc đắng dã tật”, “Cưới vợ cho ai”… vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả.

Ngay cả điểm Nhà hát Thanh Niên “sinh sau đẻ muộn” vào đầu năm 2023, cũng bán được khoảng 250 vé cho mỗi suất diễn, kéo dài từ mùng 1 - 5 Tết.

Chính ông bầu Huỳnh Tuấn Anh cũng không ngờ rằng, hai vở nhạc kịch “Em em chị chị” (lấy cảm hứng từ “Chicago” - phim hài Mỹ nổi tiếng) và “Bất ngờ chưa bà già” đã bán được hơn 75% vé từ trước Tết.

Tương tự, khai trương từ tháng 12/2022, Sân khấu Trương Hùng Minh của 2 nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương cũng thu hút được nhiều khán giả đến xem từ mùng 1 - 5 Tết. Từ mùng 6 - 8 tháng Giêng, lượng vé bán ra đạt hơn 2/3 tổng số vé phát hành.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng hòa chung niềm vui khi ghi nhận lượng vé bán ra chiếm gần 90% số ghế của tất cả các suất diễn, trung bình mỗi suất diễn thu hút từ 300 khán giả trở lên.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cũng là một trong những điểm đến quen thuộc, hút khách mùa Tết này. Nhà hát sáng đèn 23 suất, trong đó, kịch người lớn đạt 80% số vé, kịch thiếu nhi hết sạch vé từ trước.

NSƯT Mỹ Uyên cho biết, nhu cầu xem kịch thiếu nhi của khán giả liên tục tăng cao qua mỗi suất diễn. Ngoài mùng 1 diễn 2 suất, các ngày tiếp theo, sân khấu tăng lên 4 suất từ sáng đến tối.

Đỉnh điểm, vở “Đại náo Long cung” tăng lên đến 10 suất vẫn cháy vé. “Năm nay, khán giả thưởng thức đông hơn sau thời gian dịch bệnh, một bộ phận Việt kiều tranh thủ thưởng thức kịch Tết khi về nước”, nữ nghệ sĩ hào hứng bày tỏ.

Trong một diễn biến khác, sân khấu cải lương như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu Sen Việt, rạp Hồng Liên… cũng bội thu khi hầu hết đều cháy vé các suất diễn.

Giải mã công thức cháy vé kịch Tết

img

Một cảnh trong vở "Đại náo long cung" của sân khấu 5B

So với nhiều năm trước, số lượng các vở diễn dịp Tết tại các sân khấu trung bình khoảng 30 vở, thì con số 12 vở diễn năm nay vẫn chưa thể so với thời hoàng kim.

Tuy nhiên, có thể thấy các vở diễn được chăm chút nhiều hơn về chất lượng, trang phục, bối cảnh…

Điểm chung của các vở diễn thành công mùa Tết này là sự mạnh tay đầu tư của các ông bầu, bà bầu và độ táo bạo, dám dấn thân ở thể nghiệm mới của các đơn vị.

Như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, không chỉ bỏ ra 1 tỷ đồng để tân trang, trang bị cho Nhà hát Thanh Niên, ông còn chi 250 triệu đồng (so với vở kịch thông thường khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/vở), có hẳn một ban nhạc sống để nghệ sĩ hát live trong vở “Em em chị chị”.

Còn “bà bầu” Mỹ Uyên lại “ngược đời” khi ra mắt kịch thiếu nhi vào mùa Tết (thông thường các nhà hát ra mắt vào ngày Tết Thiếu nhi 1/6).

Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng bà Uyên khẳng định, vở “Đại náo Long cung” có mức đầu tư áp đảo các vở khác trong sân khấu. Trong đó, riêng phần trang phục, cảnh trí, soạn nhạc riêng đã “ngốn” 100 triệu đồng. Tất nhiên, sự đầu tư được chú trọng nhất vẫn là chất lượng diễn xuất, chất lượng tác phẩm.

Để cạnh tranh với các sân khấu lớn, Sân khấu Trương Hùng Minh hút khách bằng cách đặt hàng kịch bản chất lượng, mời dàn sao góp mặt như: Hoài Linh, Thanh Điền, Công Ninh, Việt Hương, Lâm Vỹ Dạ…

Ngoài ra, phần cơ sở vật chất từ ghế ngồi, sàn diễn, sảnh chờ đến cảnh trí được anh và ê-kíp đầu tư mới hoàn toàn để khán giả có trải nghiệm tốt nhất suốt buổi diễn.

Kịch bản chất lượng, cách dàn dựng mới, cách trang trí mới, chuyển tải được những vấn đề tiếp cận được với khán giả trẻ cũng là hướng đi của Sân khấu kịch Idecaf, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Sen Việt… trong năm 2023.

NSƯT Lê Nguyên Đạt của Sân khấu Sen Việt cho biết, vở “Kiếp tằm” ra mắt vào Tết là một thể nghiệm cho hướng đi mới này.

Theo đó, thay vì bán vé đại trà như mọi năm, dịp Tết năm nay, mỗi suất diễn của “Kiếp tằm” chỉ bán ra cao nhất 50 vé và chỉ diễn đúng 3 ngày. Tiết tấu vở diễn sẽ nhanh hơn, mang nhiều hơi thở đương đại và thời lượng buổi diễn cũng rút ngắn còn khoảng 90 phút để khán giả cảm nhận trọn vẹn tác phẩm.

“Thời gian tới, tôi tiếp tục đặt ra tiêu chí các vở cải lương của mình phải vừa mang tính giải trí, vừa mang tính học thuật, đảm bảo tính đương đại và kể câu chuyện cô đọng trong thời lượng vừa phải”, nghệ sĩ chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.