Vở kịch “Dưới cát là nước” do Nhà hát kịch nói Quân đội dàn dựng |
Sau 8 năm gián đoạn, sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần 3. Có nên hy vọng một sân khấu được đổi mới và hội nhập với quốc tế?
Sân khấu Việt trống tài năng
Nhiều năm trở lại đây, khán giả đến với các sân khấu ngày càng giảm sút. Sân khấu không còn là “ông hoàng phòng vé” như thập niên 60, 70 thế kỷ XX phải sống nhờ vào bầu sữa mẹ bao cấp của Nhà nước. Sự ổn định “tầm gửi” ấy đang bị đe dọa khi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã bắt đầu được thực hiện. Sân khấu điêu đứng, để vượt qua cái khó, ngó đến hội nhập quốc tế là một thách thức lớn.
Nói về sân khấu trong suốt thời gian qua, NSND Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam nhận định, sân khấu Việt Nam đang ở giai đoạn trống khi các tài năng sân khấu đều đã quá lớn tuổi cho những thử nghiệm mới, táo bạo. Thị hiếu của công chúng thay đổi trong khi cơ sở vật chất cũ không đáp ứng được thẩm mỹ của khán giả.
Chính vì thế, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 sẽ được tổ chức từ 12-19/11 tại Hà Nội đang được hy vọng là cơn gió mới để thay đổi tình trạng buồn của sân khấu Việt hiện nay. Đã đến lúc, sân khấu Việt cần phải thay đổi quan điểm xưa cũ, cập nhật những phong cách đương đại của sân khấu thế giới, để thật sự hội nhập, hướng đến xây dựng nền sân khấu Việt Nam đa sắc màu, dân tộc và thời đại.
10 năm có tiếp cận và hội nhập tốt hơn?
Như vậy, sau 10 năm (kể từ năm 2006), sân khấu thử nghiệm mới được trình diễn quy mô, mang tính quốc tế. Có 15 tiết mục từ 13 quốc gia tham dự. Mỗi vở diễn có thời lượng 70 - 120 phút. Được biết, các vở diễn tham gia lần này đều có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật nhưng không mất đi tính nhân văn. Theo ông Lê Tiến Thọ, sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu. Với mục đích đổi mới hình thức, cấu trúc để làm giàu thêm nghệ thuật sân khấu góp phần đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong hội nhập và phát triển. Đây cũng là tín hiệu khởi đầu cho sự sáng tạo, tiến dần đến với sân khấu đương đại thế giới của sân khấu Việt Nam.
Trước đó, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ nhất diễn ra vào năm 2002 có 14 chương trình biểu diễn với 7 tiết mục kịch nói, ba tiết mục tuồng, 1 tiết mục kịch câm, 1 tiết mục rối, 2 tiết mục độc diễn của các nước Thụy Điển, Hàn Quốc, Trung Quốc. Liên hoan lần thứ 2 diễn ra vào năm 2006 với gần 20 vở diễn của Việt Nam, Thụy Điển, Pháp, Na Uy, Australia, Trung Quốc, Lào, Campuchia tham dự. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Đăng Hoàn, Phó cục trưởng Cục NTBD cho hay, đây là liên hoan sân khấu quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam sau nhiều năm. Nên đây là cơ hội cho những người hoạt động sân khấu được giao lưu, tiếp cận các trào lưu sân khấu thế giới đương đại, thúc đẩy sân khấu nước nhà phát triển. Và cũng là thêm một lần để sân khấu nhìn lại sự chuyển mình để vươn tới những tầm cao mới, hội nhập với những xu thế mới của sân khấu thế giới đương đại.
Theo diễn viên Trịnh Kim Chi nhận định: “Liên hoan lần này mang tính quốc tế, chính vì thế, nếu các đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ được thưởng thức các vở diễn của các nước sẽ giúp cho chúng ta học hỏi được nhiều điều và tiếp cận nhiều hơn về sự sáng tạo đầy ý tưởng trong nghệ thuật sân khấu thử nghiệm này”.
Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam NSND Lê Tiến Thọ tiết lộ, kinh phí tổ chức liên hoan sẽ được Nhà nước hỗ trợ 2/3, còn 1/3 là xã hội hóa. Đối với đơn vị nghệ thuật trong nước, phải tự túc kinh phí dàn dựng chương trình, kinh phí ăn, ở, đi về trong thời gian tham dự liên hoan. Số lượng diễn viên và thành phần đoàn nghệ thuật quốc tế được Ban tổ chức lo bảo hiểm, ăn, ở, đi lại tại Việt Nam trong thời gian diễn ra liên hoan không quá 10 người (từ người thứ 11 trở đi phải tự lo kinh phí ăn, ở, bảo hiểm cho số người vượt quá quy định). |
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận