Hạ tầng

Sẵn sàng giao mặt bằng “siêu dự án” CHK Long Thành

20/02/2018, 07:05

Tỉnh Đồng Nai đã sẵn sàng các phương án, giao mặt bằng để triển khai “siêu dự án” CHK Long Thành.

45

Ông Bùi Xuân Hà (62 tuổi, xã Suối Trầu) chỉ tay về ngôi nhà nhỏ xuống cấp nhưng chưa thể xây mới do vướng quy hoạch sân bay

Dân mong đền bù thỏa đáng khi tái định cư

Ông Bùi Xuân Hà (62 tuổi, ấp 1, xã Suối Trầu - nơi thuộc vùng lõi dự án sẽ bị giải tỏa trắng của huyện Long Thành) cho biết, gia đình ông đã ở đây hơn 40 năm. Khi hay tin quy hoạch xây dựng CHK quốc tế tầm cỡ khu vực là niềm vinh dự nên người dân đều ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên nhiều năm qua người dân phải khổ sở vì sống trong quy hoạch treo, không thể chuyển đổi cây trồng, nhà hư hỏng cũng chỉ được sửa chữa tạm thời. Sau khi Quốc hội có nghị quyết về bồi thường, tái định cư, thắc mắc lớn nhất giờ đây là giá đền bù và vấn đề giải quyết việc làm. “Chất lượng các khu tái định cư, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo, hoàn chỉnh, tránh trường hợp như các khu tái định cư tại một số tỉnh, thành sau khi xây dựng xong thiếu các điều kiện tối thiểu, làm ăn khó khăn, người dân không vào ở”, ông Hà nói.

Anh Nguyễn Văn Nam (34 tuổi, ấp 1, xã Suối Trầu), nhà đối diện UBND xã Suối Trầu cho biết, gia đình anh hiện hành nghề sửa xe máy. Công việc ổn định, thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. “Qua theo dõi tivi, báo đài, thấy Quốc hội đã thông qua chủ trương bồi thường, tái định cư dự án, người dân trong xã ai nấy rất vui mừng. Nay chủ trương xây dựng sân bay đang dần trở thành hiện thực, người dân đều sẵn sàng bàn giao mặt bằng để sớm ổn định cuộc sống. Điều lo lắng là tới đây, cuộc sống ở khu tái định cư chưa biết sẽ ra sao”, anh Nam thắc mắc.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu cho hay, toàn xã sẽ giải tỏa trắng diện tích 1.488ha, ảnh hưởng tới khoảng 2.200 hộ, 6.500 nhân khẩu. “Thời gian qua, người dân theo dõi rất sát thông tin liên quan đến dự án và khi được Quốc hội thông qua dự án tái định cư, người dân trong xã rất mừng và mong được sớm bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống”, ông Hiệp nói.

46

Đường vào nơi sẽ xây dựng khu tái định cư Lộc An

Thành lập Ban chỉ đạo tái định cư

Việc đền bù, tái định cư dự án CHK quốc tế Long Thành với trên 15.000 dân phải tái định cư sẽ tạo ra một khối lượng công việc khổng lồ cho huyện Long Thành và các sở, ngành liên quan.

Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay, với nhân lực có hạn, khi triển khai việc kiểm đếm, bồi thường GPMB chắc chắn huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cần phải được giám sát chặt chẽ, để tránh những sai sót. “Hiện, tỉnh đang thành lập Ban chỉ đạo để rà soát các nội dung theo ý kiến chỉ đạo và kết luận của Quốc hội để sớm trình Chính phủ”, ông Ân nói.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, khi triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành phải giải tỏa 5.000ha, trong đó có 2.970/5.000ha (chiếm 59,4%) là đất của hộ gia đình, còn lại là diện tích đất trồng cây lâu năm. Song song công tác thu hồi đất sẽ phải di dời hơn 4.864 hộ với khoảng 15.000 nhân khẩu. Trong đó có 1.926 hộ (chiếm 39,5%) có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư khu tái định cư) cho biết, để thực hiện tái định cư cho trên 15.000 nhân khẩu thuộc 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh đã chuẩn bị quỹ đất xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn. Trong các khu tái định cư được quy hoạch với các mức diện tích mỗi lô từ 80m², 125-150m², 250-300m². “Với quy hoạch như vậy, người dân có thể lựa chọn các mức diện tích tùy theo khả năng nộp tiền sử dụng đất. Trường hợp hộ dân có giá trị bồi thường đất ở nhỏ hơn giá trị suất tái định cư, sẽ hỗ trợ để nhận suất tái định cư tối thiểu (80m²). Dự kiến, nếu các thủ tục thuận lợi, khu tái định cư sẽ được khởi công trong tháng 7/2018”, ông Bình thông tin.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Theo kế hoạch xây dựng sân bay, giai đoạn 1 sẽ thu hồi diện tích 1.165ha nên người dân trong phần diện tích này sẽ được đền bù, tái định cư trước. Do vậy, tới giữa năm 2018, việc chuẩn bị xây dựng khu tái định cư phải được thực hiện xong và triển khai thi công. Đến cuối năm, người dân có thể vào nhận phần đất tái định cư được cấp của mình.  

“Tỉnh thành lập ban chỉ đạo để triển khai GPMB. Do số lượng công việc rất lớn nên phải tăng cường cán bộ địa chính từ các huyện khác xuống hỗ trợ huyện Long Thành khi cần thiết. Các sở, ngành phải cử cán bộ hỗ trợ để cùng thực hiện các công việc trong công tác đền bù, giải tỏa”, ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, hiện vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về diện tích các lô đất tái định cư đã phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân địa phương chưa. Số tiền chi trả bồi thường người dân có thể đảm bảo chi trả tiền hạ tầng và đủ để xây dựng lại nhà ở hay không? Những băn khoăn nói trên cần phải được giải trình rõ, vì quyền lợi người dân là ưu tiên trước hết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.