UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo, chương trình "Đắk Nông - Mùa Bơ chín" năm 2018 (Ảnh: Ngọc Hùng). |
Sáng 12/7, tại thị xã Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức chương trình họp báo “Đắk Nông - Mùa Bơ chín” năm 2018. Lễ hội diễn ra từ ngày 18 đến 23/7/2018 gồm 5 sự kiện chính: Khai mạc, bế mạc; hội thảo phát triển bơ bền vững; hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; hội thi trái bơ ngon và tham quan, trải nghiệm các mô hình nông nghiệp
“Đắk Nông - Mùa Bơ chín” là chương trình tôn vinh trái bơ Đắk Nông, qua đó nhằm quảng bá sản phẩm "Bơ Đắk Nông" đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị trái bơ đối với người sản xuất và kinh doanh bơ, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Ngọc Hùng). |
Chủ trì buổi họp báo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: ““Đắk Nông - Mùa Bơ chín” tạo điều kiện cho trái bơ Đắk Nông tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trong và ngoài nước. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Kết hợp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông nhằm xúc tiến kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương”.
Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác và là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao (Ảnh: Ngọc Hùng). |
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông có diện tích đất nông nghiệp lớn chiếm khoảng 90% đất tự nhiên. Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng với 11 nhóm, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan chiếm 60,34% diện tích, phân bố ở các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Song; đất xám chiếm 28,26% diện tích và phân bố đều toàn tỉnh, còn lại là đất phù sa, đất đen, nâu, nâu thẫm… Đất bazan phân bố trên địa hình đồi, núi cao trùng điệp xen giữa thung lũng sâu và bình nguyên cùng nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố trên địa bàn tỉnh là những ưu thế chính tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm, tạo nên các dòng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, được thị trường ưa chuộng như cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai lang, rau, hoa và đậu các loại.v.v. Đặc biệt là trái Bơ.
Với những thuận lợi trên, Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha, trồng chuyên canh hơn 700 ha, trồng xen canh gần 1.900 ha và năng suất bình quân từ 10-15 tấn/ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác hơn so với các tỉnh nên Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm từ tháng 01-11 hằng năm. Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác và là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận