Theo kế hoạch, tuần tới tại Bucharest (Romania), cổ đông của công ty hạt nhân Nuclearelectrica sẽ gặp mặt, quyết định chấm dứt quá trình đàm phán thỏa thuận hạ tầng rất lớn với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy, dưới tác động của Mỹ, các nước Đông Âu đã thay đổi quan hệ với Trung Quốc trong chiến lược “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Những dự án dang dở
Nuclearelectrica đã xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân, chiếm khoảng 1/5 nguồn cung năng lượng của Romania. Theo bản ghi nhớ được ký năm 2015, Nuclearelectrica sẽ hợp tác cùng tập đoàn năng lượng hạt nhân China General Nuclear (CGN) thành lập một doanh nghiệp chung để phát triển, xây dựng và vận hành thêm 2 lò phản ứng nguyên tử nữa.
Cần biết rằng, CGN hiện sở hữu ít nhất 51% trong tổng số các dự án thuộc chương trình xây dựng hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh được biết đến với tên gọi “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Tuy nhiên, tuần trước, Chính phủ Romania, một đồng minh thân cận của Mỹ bất ngờ yêu cầu Nuclearelectrica (với 80% số vốn Nhà nước) phải chấm dứt đàm phán với đối tác Trung Quốc, tìm đối tác khác để xây 2 cơ sở mới.
Cách đó vài ngày, Israel, một đồng minh khác của Mỹ cũng quyết định trao dự án trị giá 1,5 tỷ USD cho một công ty của chính Israel, thay vì Ttập đoàn CK Hutchison Holding có trụ sở tại Hồng Kông sau khi Mỹ cảnh báo, không chấp nhận xu hướng đầu tư của Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ tại nước này.
Theo các nhà quan sát, hai sự kiện này là điển hình cho thấy mức độ thù địch ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc các nước nhỏ bị dính “tên bay đạn lạc” trong cuộc đấu giữa hai cường quốc thế giới như thế nào.
Nuclearelectrica bắt đầu đàm phán với phía Trung Quốc từ tháng 11/2013 khi ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc tới thăm Romania trong gần 2 thập kỷ trở lại.
Lúc đó, mối quan hệ với Romania được ca ngợi là yếu tố “không thể thiếu” trong quan hệ của Bắc Kinh với Đông Âu cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu.
Ông Lý cũng chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận song phương bao gồm một bản ghi nhớ về sử dụng năng lượng hạt nhân mở đường cho thỏa thuận với Nuclearelectrica. Song, triển vọng hợp tác mà hai nước vẽ ra đã lung lay khi cả Tổng thống Mỹ và Romania đã ký tuyên bố chung vào năm trước, kêu gọi hai nước hợp tác sâu sắc hơn về năng lượng hạt nhân.
Những bất ổn này tiếp tục đẩy lên cao khi tháng 1 vừa rồi, Thủ tướng Romania Ludovic Orban cảnh báo chính phủ sẽ rút khỏi những thỏa thuận với Bắc Kinh vì “mối quan hệ hợp tác cùng công ty Trung Quốc không hiệu quả”, theo tin tức từ trang Hotnews.ro của Romania.
Nhận định về diễn biến này, ông Andreea Brinza, Phó chủ tịch Công ty Cố vấn tại Viện Nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương của Romania cho rằng, khả năng, đã có những tác động bên ngoài từ Mỹ và châu Âu đối với quyết định của Romania.
“Xét tất cả những vấn đề gồm: Đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng quan trọng, CGN có tên trong danh sách các thực thể của Mỹ, việc Romania cho phép quân Mỹ cùng hệ thống phòng vệ tên lửa đồn trú, những vấn đề với trợ cấp quốc gia… tôi cho rằng, Chính phủ Romania đã quyết định tốt nhất không nên tiếp tục dự án với CGN vì e ngại các cuộc đàm phán sẽ khó khăn”, ông nói.
Cản trở “Sáng kiến Vành đai và Con đường”
Một chuyên gia khác là ông Jakub Jakobowski, nghiên cứu sinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông tại Warsaw, Ba Lan giải thích thêm, Bắc Kinh từng nuôi hy vọng, thỏa thuận với Romania sẽ trở thành một trường hợp thành công trong dự án hạt nhân của Trung Quốc tại châu Âu. “Họ cũng hy vọng sẽ thúc đẩy Romania để đàm phán năng lượng trong Hội nghị Thượng đỉnh 17+1 giữa Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu”, theo ông Jakobowski.
Nhưng những áp lực gia tăng từ phía Mỹ cùng với việc thiếu kiên nhẫn chờ đợi những lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh đã buộc các nước trong khu vực Trung và Đông Âu phải tính lại chiến lược. “Nhiều chính phủ quyết định hy sinh một phần quan hệ với Trung Quốc mà không còn quá hứa hẹn để ghi điểm với Washington cùng Liên minh châu Âu”, chuyên gia người Ba Lan nói và dự đoán, hầu hết các nước trong khu vực khó có khả năng phản bội Mỹ, mà sẽ đồng thuận để hợp tác với Mỹ về các vấn đề đang được thực hiện như các dự án hạ tầng trọng điểm và 5G.
Thái độ ngập ngừng, dè dặt trong các dự án lớn tại khu vực Trung, Đông Âu điển hình như thỏa thuận hạt nhân với Romania sẽ khiến “Sáng kiến Vành đai và Con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ấp ủ nhằm thúc đẩy quan hệ hạ tầng trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu có thể thụt lùi.
Sáng kiến Vành đai và Con đường bao gồm hàng loạt dự án với tổng trị giá ước tính 1 nghìn tỷ USD, trong đó có nhiều kế hoạch kết nối đường sắt, đường bộ tại hơn 125 quốc gia. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, bất chấp kinh tế bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch Covid-19, Bắc Kinh vẫn dự định đổ tiền vào các quốc gia nằm trong “Con đường và Vành đai”. Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp vào các khu vực phi chính phủ ở 53 quốc gia thuộc sáng kiến này, tăng 13,4% so với mức tăng cùng kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận