Sâu Caenorhabditis elegan được dùng trong nghiên cứu |
Tạp chí The Journal of Neuroscience của Mỹ đăng tải nghiên cứu của Đại học Texas, Mỹ (UoT) phát hiện ra một phương pháp mới giúp uống rượu không bị say, mở đường cho một loại thần dược James Bond drug (Thuốc James Bond), cho phép các điệp viên uống rượu vô tư mà không bị say xỉn và rất nhiều ứng dụng tương tự khác, kể cả việc điều trị chứng nghiện rượu hay hạn chế độc tố cồn thâm nhập vào cơ thể con người.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã chèn một "mục tiêu cồn đã được tăng cường" vào loài sâu, làm cho loài sâu này miễn dịch với độc tố của rượu. Nói đúng hơn, các nhà khoa học đã chỉnh sửa một kênh kali trong màng tế bào thần kinh nhạy cảm với rượu, gọi là kênh BK, kênh này làm nhiệm vụ điều phối hoạt hóa của tế bào thần kinh, mạch máu, đường hô hấp và bàng quang nhưng sau khi chỉnh sửa nó trở nên không còn nhạy cảm với rượu nữa.
Theo phó giáo sư Jon Pierce-Shimomura đồng tác giả nghiên cứu ở UoT, "đây là bằng chứng đầu tiên làm thay đổi "mục tiêu rượu của con người" nhằm ngăn chặn trúng độc ở động vật. Trước tiên, tạo ra những con sâu đột biến không biết say và sau nữa mở đường cho ra đời thế hệ thuốc mới cai rượu hoặc dùng cho những mục đích đặc biệt, giúp Điệp viên 007 James Bond uống rượu vô tư mà không bị say và không bị đối phương khống chế.
Những con sâu được dùng trong nghiên cứu của UoT có tên Caenorhabditis elegan, nó thể hiện khá rõ tác động của rượu, rượu khiến chúng bò chậm hơn và đánh võng trái qua phải, và khi say xỉn cũng đẻ ít trứng hơn so với bình thường.
Tác dụng của kênh BK là "phanh lại các hoạt động thần kinh", tuy nhiên, khi uống rượu vào, kênh BK lại bài tiết nhiều kali hơn bình thường, tạo ra hiệu ứng "đóng sầm phanh", dẫn đến tình trạng lộn xộn, đi đứng liêu xiêu, đặc biệt là đi kèm hội chứng ngộ độc rượu nguy hiểm. Nhưng khi được chèn một "mục tiêu cồn" thì màng tế bào thần kinh không còn nhạy với rượu nữa và không gây ảnh hưởng đến các chức năng vốn có khác của kênh BK.
Việc khắc phục ảnh hưởng của rượu khó khăn hơn và phức tạp hơn so với các chứng nghiện khác, như cocaine chẳng hạn. Tác động của rượu hay cồn trong rượu lên cơ thể người rất phức tạp, như cơn thèm rượu và các triệu chứng suy thoái khác đều có thể ảnh hưởng tới nhiều vùng "mục tiêu" khác nhau trong não bộ.
Sâu Caenorhabditis elegan được dùng trong nghiên cứu đã thể hiện "mô hình nhiễm độc tốt", tuy nhiên loại sâu này chưa phải là mẫu lý tưởng cho nghiên cứu về chứng nghiện rượu. Vì vậy các nhà khoa học đang có ý dịnh dùng chuột để nghiên cứu trong các bước tiếp theo trước khi đưa vào ứng dụng đại trà, cho ra đời loại thuốc nhằm giúp con người đối phó với nạn "rượu chè be bét", nhất là khi bị nghiện rượu hay lạm dụng đồ uống nhiều cồn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận