Làm báo cùng Giao thông

Sập nhà 41 Cửa Bắc: Khi sự an nguy trông cậy ở… hàng xóm

06/08/2016, 08:06

Sau vụ sập nhà 41 Cửa Bắc, dân phố cổ vẫn phải sống thế. Luôn nơm nớp với sự an toàn của chính mình.

sap-nha-cua-bac

Vụ sập nhà 41 Cửa Bắc khiến nhiều người dân phố cổ nơm nớp lo sợ

Như một cái nhọt ung mủ, chẳng biết vỡ lúc nào. Phố cổ sẽ phải sống thế. Luôn nơm nớp với sự an toàn của chính mình. Cơ quan điều tra đang gấp rút kiểm tra giấy phép thi công của nhà số 41 Cửa Bắc, sau vụ sập nhà 3 tầng liền kề hôm 4/8. Nếu đúng, kết luận này có thể làm những người khác ngỡ ngàng khó chấp nhận nhưng tôi chắc chắn 99% dân phố cổ không lạ với điều này.

Ông hàng xóm cách vỏn vẹn 2 nhà, dọn sạch sẽ cả 200 m2 để chờ xây nhưng 2 năm nay chưa xây được. Vì chỉ cần đào xuống vài mét là cái nhà bên cạnh phía Hàng Ngang sẽ sập. Mà cái nhà đấy, vừa dài vừa hẹp, vừa cũ, vừa đông người ở. Mấy chục con người chen chúc bao năm qua đã kịp phá hết kết cấu nhà để cơi nới. Vừa ở vừa phá, vừa níu giữ vừa chờ ai ở cạnh xây nhà phải xây đền.

Cậu em tôi quen mua nhà ở ngõ Tạm Thương, để xây được nhà phải chấp nhận xây luôn nhà cho hàng xóm. May mà chỉ phải xây 1 cái, chứ tứ phía đòi xây thì chắc phát điên.

Một trường hợp nữa ở phố Lê Văn Hưu, chính chủ xây nhà xong, hôm cắt băng khánh thành chưa kịp nói đôi lời cảm ơn hàng xóm láng giềng không “mặt nặng mày nhẹ”, cản trở thi công vì đất cát bẩn thỉu, ồn ã thì hai người hàng xóm đã tranh lên phát biểu cảm ơn vì “nhờ bác xây nứt nhà em, xong lại xây đền nhà mới”.

Khổ thì đủ kiểu, ấy vậy mà đề án giãn dân phố cổ mấy năm nay không làm được. Bởi dân phố cổ bây giờ phần lớn là dân buôn bán. Sinh kế của họ dính liền mặt phố.

Ờ thì đổi sang nhà mới thoáng đãng hơn bên Việt Hưng (Long Biên) không phải đi chung hố xí, ờ thì không lo ngay ngáy đang ngủ thì sập nhà vì hàng xóm thi công nhưng đi thì tiền kiếm đâu ra mà ăn, mà uống?

Ở thì để mẹt hàng nước trên phố cổ ngày cũng có vài chục nghìn đồng, chiều chạy ra trông xe vỉa hè, một chiếc ít cũng 10 - 20 nghìn đồng. Loanh quanh đi bán hàng thuê cho hàng xóm có nhà mặt tiền cũng có thu nhập tạm tạm duy trì cuộc sống.

Sự bất cập đang ngày càng kéo dài cái gọi là “nếp sống nơi phố cổ” của người Hà Nội. Nếp sống ấy không văn minh theo kiểu người Tràng An như thường thấy trong thi ca mà nơm nớp nỗi lo cơm áo gạo tiền và an nguy của những phận người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.