Vụ án quan tài diễu phố gây chấn động dư luận |
Vụ án “quan tài diễu phố” gây rúng động dư luận dự kiến sẽ được Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra xét xử cấp sơ thẩm lần 2 vào giữa tháng 3/2015.
Các đối tượng bị truy tố về tội “Giết người” trong vụ án này gồm: Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Định, Phùng Đắc Tú, Phùng Mạnh Tuấn, Đặng Quốc Tú và Nguyễn Văn Bình. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn truy tố bị can Nguyễn Văn Hiệp về tội “Không tố giác tội phạm” và Nguyễn Anh Tuấn về tội “Che giấu tội phạm”.
Ngày 5/9/2013, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên sơ thẩm với các tội danh giết người, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Sau hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phùng Đắc Tú và Đặng Quốc Tú lãnh án tù chung thân; bị cáo Phùng Mạnh Tuấn tử hình; bị cáo Nguyễn Văn Bình 12 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Tình 18 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Định 20 năm tù; Nguyễn Duy Hiệp 2,5 năm tù và Nguyễn Anh Tuấn 3 năm tù.
Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Đắc Tú, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Định, Đặng Quốc Tú và Nguyễn Văn Bình bồi thường các khoản chi phí cho gia đình bị hại 240 triệu đồng, trợ cấp nuôi dưỡng 2 con nhỏ của nạn nhân đến năm các cháu đủ 18 tuổi, mỗi tháng 575 nghìn đồng/cháu. Ngoài ra, 6 bị cáo phải bồi thường 69 triệu đồng tổn thất về tinh thần cho gia đình bị hại.
Đến ngày 6/3/2014, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Vĩnh Phúc đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án. Sau gần 1 ngày xét xử, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, hồ sơ có rất nhiều bút lục bị tẩy xoá, nhiều biên bản không có chữ ký của điều tra viên. Qua thẩm vấn tại phiên tòa, cơ quan công tố nghi ngờ nhiều lời khai của bị can được chép từ điều tra viên. Bên cạnh đó, các bị cáo có những lời khai khác nhau.
Cho rằng các cơ quan tố tụng sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị Hội đồng xét xử huỷ án sơ thẩm để điều tra bổ sung.
Tại phiên phúc thẩm, Luật sư Lê Thị Oanh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại Nguyễn Tuấn Anh) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn điều tra, như: không phân công kiểm sát viên tham gia lấy lời khai của nhân chứng, bị can; khi thực hiện khám nghiệm hiện trường không cử người tham gia. Tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy đại diện Viện Kiểm sát tỉnh không giám sát hỏi cung, lấy cung các bị can trong giai đoạn điều tra; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Trong hồ sơ mất 30 bút lục, hàng chục bút lục bị tẩy xoá, lý lịch căn cước các bị can không chính xác. Số lượng mẫu thu và giám định không thống nhất .
Trước phân tích trên của Viện Kiểm sát và luật sư, HĐXX phúc thẩm cho biết, quá trình thẩm vấn các bị cáo đều nhận đuổi đánh, giết chết anh Tuấn Anh, song lời khai lại không đồng nhất. Việc đánh dấu, đánh số nhiều lần, tẩy xoá ở nhiều các bút lục, tòa cũng ghi nhận là có thật. Trong hồ sơ thể hiện 37 biên bản không phải do điều tra viên, kiểm sát viên tiến hành. 168 bút lục thể hiện kiểm điểm, tự trình bày của bị can, người làm chứng, liên quan không có chữ ký của điều tra viên. Điều này vi phạm các quy định của Bộ luật Tố tụng. Còn nhiều điểm nghi vấn nên HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm điều tra lại, tiếp tục giam các bị cáo.
Trước đó, ngày 14/3/2013, nạn nhân Tuấn Anh đi nhậu và có mâu thuẫn với một nhóm thanh niên. Hôm sau, gia đình không thấy Tuấn Anh về nên tổ chức đi tìm kiếm.
Đến khoảng 8h30 sáng ngày 17/3/2013, người nhà anh Tuấn Anh đã tìm thấy thi thể nạn nhân tại cống kênh 2B phường Hội Hợp. Sau đó, cơ quan Công an kết luận nạn nhân tử vong là do bị ngạt nước.
Kết luận này khiến gia đình nạn nhân nghi ngờ. Bức xúc, người nhà nạn nhân cùng một số người dân đã mang quan tài nạn nhân đi diễu hành nhiều nơi ở TP Vĩnh Yên vào chiều ngày 17/3.
Sau đó cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc, với sự phối hợp của Bộ Công an, đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án và lần lượt bắt, khởi tố các bị can.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận