Hiện nay phương tiện đưa đón học sinh vẫn do các trường tự thỏa thuận với đơn vị vận tải theo dạng xe hợp đồng. Sau hàng loạt tai nạn xảy ra liên quan đến loại xe này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có tiêu chuẩn riêng cho hoạt động vận tải này nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh - đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông.
Quá nhiều bất cập gây hậu quả thương tâm
Vụ việc xảy ra ở trường Tiểu học Gateway (Hà Nội) vào năm ngoái, hay gần đây là trường hợp học sinh văng khỏi xe tại tỉnh Đồng Nai; vụ cháy nổ trên xe đưa đón học sinh của trường Tiểu học An Phú (Bình Dương)... là những minh chứng rõ nhất về hệ lụy liên quan đến các phương tiện đưa đón học sinh.
Đánh giá về thực trạng này, trong văn bản đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GD&ĐT cho biết, dịch vụ đưa đón học sinh hiện đang phát triển ở nhiều thành phố lớn, tỷ lệ số chuyến đi lên tới 10% tổng số học sinh và sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng không an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ vận chuyển học sinh tại một số địa phương như: Đồng Nai, Gia Lai, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Hà Nội với các đặc điểm chung là xe không đảm bảo chất lượng; lái xe chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, chưa thực hiện đúng quy trình đưa đón học sinh...
Bộ GD&ĐT nhìn nhận, kinh doanh dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh theo quy định thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện. Hiện, loại hình này phần lớn tồn tại dưới dạng vận tải hợp đồng hoặc vận tải nội bộ. Tuy vậy, các quy định hiện nay chưa phản ánh được tính chất đặc thù và yêu cầu khắt khe về an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải đối với loại hình để vận chuyển học sinh.
TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật đánh giá, học sinh là đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông nhưng chưa hề có tiêu chuẩn riêng cho loại phương tiện chuyên chở. Xe đưa đón học sinh cũng không được thiết kế đặc biệt để phù hợp với trẻ em. Dịch vụ đưa đón học sinh vẫn hoàn toàn tự phát, mạnh trường nào trường đó làm và không có bất cứ chuẩn mực nào về chất lượng, cũng như hạ tầng giao thông, điểm đón, trả riêng. “Với nhu cầu đủ lớn, xe đưa đón học sinh cần phải được chuẩn hoá để áp dụng những quy định riêng, phù hợp”, TS. Bình nói.
Cần thiết phải có xe đặc chủng
Dẫn chứng kinh nghiệm một số quốc gia tiên tiến có tiêu chuẩn cao, có các quy định riêng và được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, Bộ GD&ĐT đề xuất cần ban hành tiêu chuẩn riêng đối với xe buýt học đường để tham gia đưa đón học sinh như một số nước đang áp dụng. Do trẻ em dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông, nên xe buýt trường học cần được coi là một loại xe đặc thù, được trang bị phù hợp, đảm bảo an toàn mức cao nhất cho trẻ em như kết cấu xe, kích thước ghế, hệ thống thoát hiểm trên xe, hệ thống tự động rà soát cảnh báo, lắp camera kết nối với hệ thống giám sát...
Xe đưa đón học sinh là hình thức kinh doanh vận tải gián tiếp. Trên cơ sở hành lang pháp lý về kinh doanh vận tải khách với 3 loại hình taxi, xe buýt và xe hợp đồng trong dự thảo Luật, từ đó, xe đưa đón học sinh kinh doanh thu tiền trực tiếp hay gián tiếp sẽ được tham chiếu với các loại hình để quản lý. Tùy từng lứa tuổi học sinh sẽ phải thêm các điều kiện về an toàn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
“Vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Các nội dung trên cần được thiết kế theo hướng trẻ em càng nhỏ thì yêu cầu càng cao, vận tải nội bộ nếu liên quan tới vận chuyển học sinh đều phải đáp ứng những quy định pháp luật về vận chuyển học sinh”, Bộ GD&ĐT đề xuất.
PGS.TS. Chu Công Minh, Phó chủ nhiệm bộ môn Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, xe đưa đón học sinh phải phù hợp độ tuổi, vóc dáng các em. Các tiêu chuẩn của xe phải được thiết kế dựa trên các thông số từ kích thước ghế ngồi, kích cỡ bậc lên xuống, cửa sổ, tất cả phải đảm bảo sự thoải mái và an toàn trong xe. “Xe chở trẻ nhỏ, vốn hay nghịch ngợm nên hệ thống như camera theo dõi, máy quét kiểm soát là rất cần thiết, giúp người lái xe luôn nắm được toàn bộ tình hình trên xe. Xe chuyên dụng rất đắt tiền, có thể đưa vào Luật nhưng cần lộ trình dài hơi để thực hiện”, ông Minh phân tích.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi quy định nhiều nội dung chi tiết cho xe đưa đón học sinh như: Phương tiện phải có màu sơn riêng, có chữ xe đưa đón học sinh dễ nhận biết, có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi, có thiết bị theo dõi như camera giám sát, các tiêu chuẩn kỹ thuật xe.
Cũng theo ông Bình, trong tổ chức, nếu trường học thuê xe của đơn vị kinh doanh hợp đồng hoặc xe buýt, lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải chấp hành quy định riêng đặc thù về màu sơn, về nhận diện, tiêu chuẩn lái xe của xe đưa đón học sinh. Trong trường hợp nhà trường đứng ra tự tổ chức xe đưa đón học sinh thì phải có giấy phép riêng đủ điều kiện được phép đưa đón học sinh.
“Nếu trường thuê xe của đơn vị kinh doanh vận tải thì chỉ cần đơn vị này chấp hành các thêm các quy định đặc thù. Đối với xe chở học sinh mẫu giáo phải có người đi kèm. Ngoài ra, các trường phải có quy định riêng về quản lý, theo dõi học sinh trọng suốt quá trình vận chuyển”, ông Bình cho biết thêm.
Sẽ có hai loại xe đưa đón học sinh
Phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến dự thảo Luật GTĐB sửa đổi gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, trẻ em phải được quan tâm đặc biệt. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu xe đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu về nhận diện, về thiết kế phù hợp để dành riêng cho học sinh, với các tiêu chí an toàn đặc biệt. Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, lái xe và người đi cùng.
Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu quy định xe đưa đón học sẽ có 2 loại, loại bình thường như hiện nay với các điều kiện đặc biệt. Loại thứ hai là xe chuyên dụng, để khi các nhà sản xuất trong và ngoài nước muốn sản xuất xe chuyên dùng theo quy chuẩn quốc tế thì đã có khung pháp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận