Xã hội

Sau lũ rút, người dân ngoại thành Hà Nội tất tả đưa cuộc sống trở lại bình thường

10/08/2024, 15:34

Sau hơn nửa tháng sống trong ngập lụt, người dân vùng ngập lũ xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã trở về nhà để dọn dẹp, khôi phục sản xuất, sớm trở lại trạng thái bình thường.

Tất tả dọn dẹp nhà cửa, mở hàng buôn bán

Sáng 10/8, sau hơn nửa tháng sống trong ngập lụt, mặc dù vẫn còn một số đoạn ngõ, xóm bị đọng nước nhưng cuộc sống của người dân tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã dần trở lại bình thường. Cơ quan chức năng đang phối hợp với nhiều lực lượng tập trung khắc phục hậu quả.

Sau lũ rút, người dân ngoại thành Hà Nội tất tả đưa cuộc sống trở lại bình thường- Ảnh 1.

Người dân xã Nam Phương Tiến tất tả dọn dẹp nhà cửa, khôi phục sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Tấp (trú tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) đang dùng cây xẻng đẩy bùn đất từ trong nhà ra ngoài chia sẻ, đêm 23, rạng sáng 24/7, nước trên sông Bùi đã tràn qua đê, khiến cho nhà bà và nhiều hộ lân cận bị ngập sâu. Nước dâng quá đầu người, tới gần 2m nên cả gia đình buộc phải di chuyển đi ở nhờ.

"Mấy hôm nay tôi cùng người thân mới trở về nhà để dọn dẹp. Bùn chúng tôi tạm đẩy ra trước cửa nhà, đợi đội hỗ trợ tới chở đi. Chắc phải 2-3 ngày nữa, gia đình tôi mới có thể cơ bản sinh hoạt bình thường", bà Tấp cho biết.

Tới sáng 5/8, mực nước sông Bùi rút tới mức dưới báo động lũ cấp I, bà Tấp cùng nhiều hàng xóm đi sơ tán lũ lượt trở về để dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Ngày về, bà Tấp thấy rất nhiều rác, xác động vật bị cuốn vào bên trong. Phía dưới nền, bùn đọng lại thành lớp dày cả nửa mét. Nước cạn tới đâu, người phụ nữ trung tuổi lại cặm cụi đẩy rác, bùn ra ngoài tới đó. Riêng khu bếp, hiện vẫn còn bị ngập khoảng 70cm.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Huệ ở "rốn ngập" thôn Nhân Lý cũng đã trở về nhà được gần 1 tuần, đợi nước rút nốt.

Đứng ở sâu bên trong phòng vẫn còn xâm xấp nước, chị Huệ cho biết: Do là khu vực trũng nhất Nam Phương Tiến nên Nhân Lý chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt ngập kéo dài vừa qua. Vào giai đoạn cao điểm, nhiều chỗ nước dâng tới gần mái nhà. Con đường bê tông chạy dọc thôn cũng chìm sâu trong nước gần 2m, hầu hết các hộ dân phải đi lại bằng thuyền.

"Đàn vịt nhà tôi không kịp di tản nên cũng chết hết. Trở về, nhà ai cũng đầy rác, đồ gỗ và bùn đất", chị Huệ vừa loay hoay phun rửa lại nền nhà, vừa nói.

Sau lũ rút, người dân ngoại thành Hà Nội tất tả đưa cuộc sống trở lại bình thường- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng phối hợp hỗ trợ người dân khắc phục sau ngập lụt.

Bà Đinh Thị Thịnh (thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) cho biết: "Gần nửa tháng bị ngập, thực phẩm và thuốc men vẫn được cấp phát nên chúng tôi khá yên tâm. Giờ cuộc sống trở lại bình thường nên mọi người cùng bảo nhau cố gắng chăn nuôi, trồng trọt trở lại để có thêm thu nhập".

Đến nay, cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Lâm (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đã mở cửa trở lại. Các mặt hàng trong cửa hàng cũng được giao đầy đủ, sẵn sàng phục vụ việc mua sắm của người dân trong xã.

Khẩn trương ổn định cuộc sống người dân

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, đợt lũ vừa qua đã có 721m kênh mương bị hỏng, 200m đê bị rò rỉ, 103 cầu, cống, đập bị hư hỏng; 2.000m đường giao thông nông thôn, 13.000m đường nội đồng bị ngập; 1.099ha lúa, 354ha rau màu, 243ha cây ăn quả, 1.587ha thủy sản, 4.893 con gia súc và 208.998 gia cầm bị ảnh hưởng.

Huyện đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia chống lụt (các đơn vị quân đội cử 450 người, 13 xe các loại, 4 xuồng máy), triển khai kê kích tài sản, di dời dân đến khu vực an toàn, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Sau lũ rút, người dân ngoại thành Hà Nội tất tả đưa cuộc sống trở lại bình thường- Ảnh 3.

Cuộc sống người dân đã dần ổn định dù đường vẫn có nơi nước chưa rút.

Từ ngày 30/7, UBND huyện đã tạm cấp 810 triệu đồng kinh phí cho xã Nam Phương Tiến mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm cung cấp cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng. Đến ngày 1/8, cấp 337,7 triệu đồng cho Trung tâm Y tế mua thuốc, vật tư phòng, chống chống dịch bệnh và khắc phục xử lý bệnh trên địa bàn huyện sau mưa bão.

Bà Nguyễn Thị Uyên, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến cho hay: Trung tâm đã thành lập các trạm y tế lưu động. Riêng tại Nam Phương Tiến, trạm đã phát thuốc ngăn ngừa nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt và Cloramin B để khử khuẩn cho nhân dân vệ sinh nước ăn, nước sinh hoạt.

Anh Nguyễn Văn Quyết, cán bộ Tổ An ninh cơ sở tại thôn Nhân Lý thông tin thêm: Trong suốt thời gian xảy ra ngập lụt, các tổ an ninh cơ sở vẫn duy trì hoạt động, đề phòng kẻ gian lợi dụng tình hình trộm cắp tài sản của nhân dân.

"Hiện, chúng tôi tiếp tục cùng các ban, ngành hỗ trợ bà con dọn dẹp, tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm. Riêng tại Nhân Lý, Đội an ninh cơ sở vẫn trực để cấp phát lương thực, nước sạch cho các hộ có nhu cầu, với tinh thần không để ai thiếu thốn sau khi lũ rút", anh Quyết nhấn mạnh.

Được biết, ngày 6/8 vừa qua, số nhân khẩu phải sơ tán cơ bản đã trở về vệ sinh nhà cửa. Toàn huyện cũng đã huy động 220 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, gần 1.000 dân quân và cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên cùng 12 phương tiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học phục vụ cho năm học mới.

UBND huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai phương án phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân. Không để xảy ra tình trạng người dân không có nước uống, nước sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu. Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men cho những trường hợp đau ốm.

Đồng thời, thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định; kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi. Kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.