Các thành viên Chính phủ |
Sáng nay (30/10), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành 5 nghị quyết (2 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 3 về hoạt động chất vấn) với hàng loạt vấn đề đặt ra yêu cầu Chính phủ và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải giải quyết những lời hứa của mình tại các kỳ họp Quốc hội.
Giải quyết nhiều vấn đề nóng
Theo báo cáo của Chính phủ, trong việc thực hiện nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ và các bộ ngành đã thực hiện 8 nội dung.
Trong đó có việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật; kiện toàn bộ máy; phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm; hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn...
Về việc thực hiện nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ và các bộ ngành đã thực hiện 7 nội dung.
Đáng chú ý, Chính phủ, Thủ tướng đã quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện hiện đại hoá nền hành chính, coi đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, giảm tối đa giấy tờ hành chính.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu xây dựng nghị định mới về đánh giá và phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định của luật Cán bộ, công chức; sắp xếp tổ chức bên trong các bộ ngành tinh gọn. Trong 3 năm qua, biên chế công chức hành chính nhà nước từ T.Ư đến cấp huyện giảm từ 1,7% - 2,9% so với năm 2015.
Về kết quả thực hiện nghị quyết số 33/2016 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, TN-MT, GD-ĐT, nội vụ.
Điển hình, nhiều ĐBQH chất vấn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương có viện pháp xử lý đối với 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành này. Bộ Công thương sau đó đã xây dựng đề án xử lý 12 tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đã có 2/6 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi, 1/3 nhà máy bắt đầu vận hành trở lại, nhiều dự án có chuyển biến tích cực.
Trong lĩnh vực TN-MT, vụ việc liên quan đến công ty Formosa Hà Tĩnh từng gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng TN-MT cũng nhận được nhiều chất vấn về việc này. Sau 2 năm, Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Công ty Formosa, đến nay công ty đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính, tiến hành cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải…
Về lĩnh vực GD-ĐT, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây. Bất cập, sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương đã được chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019…
Còn lĩnh vực nội vụ, kết quả thẩm tra của Bộ Nội vụ từ năm 2015 đến giữa năm nay, số lượng tinh giản biên chế là 38.939 người. Chính phủ thực hiện đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng bước đầu đạt kết quả, được dư luận đánh giá cao.
Câu chuyện sai phạm trong bổ nhiệm từng làm nóng nghị trường đã được Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Nội vụ và các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu, rà soát lại các văn bản hiện hành. Các nội dung về phân cấp, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển sẽ chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.
Nhiều vụ tham nhũng được xử lý nghiêm minh
Liên quan đến kết quả thực hiện nghị quyết số 44/2017 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều hành động để giải quyết các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình |
Trong lĩnh vực NN&PTNT, Thủ tướng đã ban hành nhiều quyết định, nghị định, trong đó có việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 bảo đảm tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%.
Trong lĩnh vực VH-TT-DL, Chính phủ đã ban nhiều hành nghị định liên quan, trong đó có nghị định 110/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội; các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm.
Trong lĩnh vực y tế, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Y tế tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, giám định và thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nâng cao y đức của cán bộ y tế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp…
Trong lĩnh vực KH-ĐT, đã thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong kế hoạch đầu tư công năm 2018 cơ bản được đảm bảo; 96% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 đã được các bộ, ngành và địa phương phân bổ...
Về kết quả thực hiện nghị quyết số 55/2017 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 có 4 lĩnh vực, báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong lĩnh vực tài chính, hiện nay, cơ quan thuế, hải quan đã và đang tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới hoạt động quản lý của ngành cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Ở lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác...
Lĩnh vực thông tin và truyền thông, nổi bật là công tác quản lý nhà nước về báo chí ngày càng chủ động, bám sát hơn với thực tế đời sống, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác.
Các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, uy tín danh dự của cá nhân.... cũng bị xử lý nghiêm.
Đáng lưu ý, trong lĩnh vực điều tra tội phạm, thi hành án hành chính, Chính phủ nhấn mạnh công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh, là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây.
Đặc biệt, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận