Nhiều người không biết SCIC sẽ làm được gì ở những doanh nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả (Ảnh minh họa) |
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã nhiều lần lên tiếng chất vấn SCIC(Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) về việc SCIC “lạm dụng” quyền cổ đông lớn trực tiếp tham gia vào việc quản lý và điều hành trong nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp niêm yết lớn như Vinamilk, Vinaconex, FPT, hay các công ty kinh doanh đặc thù như Dược Hậu Giang, Traphaco.
Việc này sẽ là bình thường nếu như cán bộ SCIC thể hiện được vai trò của mình của mình trong việc giúp đỡ xây dựng và phát triển doanh nghiêp. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới thời Tổng giám đốc Lại Văn Đạo, nhiều quyết định bổ nhiệm của SCIC đã vấp phải sự hoài nghi và phản đối của các nhà đầu tư.
Đặt sang một bên vấn đề về tầm nhìn khi SCIC quá chú trọng can thiệp vào doanh nghiêp mà xem nhẹ chức năng chiến lược của mình là người quản lý vốn đầu tư quốc gia, người ta không thể không đặt câu hỏi: SCIC dựa trên nguyên tắc nào để bổ nhiệm người vào nắm những vị trí chủ chốt như chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp? Đặc biệt là ở những doanh nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả, SCIC sẽ làm thêm được gì?
Trách nhiệm mù mờ
Giữa năm 2015, SCIC cử ông Hoàng Nguyên Học làm đại diện vốn và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Song song với chức trách tại Vinaconex, ông Hoàng Nguyên Học cũng đồng thời “lãnh ấn” Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HSX: DHG) và nắm giữ vị trí Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Thế nhưng bất ngờ là vào tháng 10 năm 2015, nghĩa là chỉ 4 tháng sau khi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Vinaconex, ông Học đã nhường lại chức Chủ tịch cho ông Vũ Quý Hà (cựu Tổng giám đốc của Vinaconex). Mặc dù là cổ đông lớn nhất, nắm giữ đến gần 58% cổ phần tại Vinaconex, sau khi ông Học từ nhiệm, SCIC đã không tiếp tục cử người đại diện tham gia HĐQT.
SCIC lý giải thế nào cho quyết định này của mình, nhất là ở một doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như Vinaconex? Tham gia vào doanh nghiệp là để giúp doanh nghiệp, thì tại sao SCIC lại “bỏ rơi” Vinaconex?
Việc "lựa chọn" doanh nghiệp để "tham gia" quản trị này làm dấy lên nhiều câu hỏi khi rõ ràng SCIC “né” DN đang khó khăn và “quan tâm" hơn với những doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả như Vinamilk, Traphaco, Dược Hậu Giang, FPT…
Giờ hãy xem xét việc “tham gia sâu” của SCIC tại các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk hiện có 2 đại diện SCIC là bà Ngô Thị Thu Trang (Thành viên HĐQT) và ông Lê Song Lai (thành viên HĐQT). Công ty Dược Hậu Giang có 2 đại diện SCIC là ông Hoàng Nguyên Học (Chủ tịch HĐQT) và ông Lê Đình Bửu Trí (phó Chủ tịch HĐQT). Tập đoàn Bảo Việt có ông Nguyễn Quốc Huy làm thành viên HĐQT, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) có ông Lê Song Lai làm Chủ tịch HĐQT. FPT cũng ông Lê Song Lai làm thành viên HĐQT. Có thể thấy, sự hiện diện của SCIC trong hội đồng quản trị - mà trong đó sự kiêm nhiệm nhiều doanh nghiệp một lúc là không hể hiếm.
Đó là ở những doanh nghiệp niêm yết, còn những doanh nghiệp cổ phần chưa niêm yết - nơi mà sự chú ý của nhà đầu tư thường ít hơn - thì càng khó để tìm hiểu về các bố trí nhân sự của SCIC. Như trong trường hợp của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên Tisco, SCIC đã cử tới 3/7 đại diện vào HĐQT (ông Nguyễn Quốc Huy - chủ tịch, ông Vũ Hoàng Long và ông Nguyễn Tiến Dũng là thành viên HĐQT), cho dù SCIC chỉ nắm giữ 35% cổ phần tại đây.
Thù lao tiền tỷ có thực
Với vị trí đảm đương tại các doanh nghiệp, ông Hoàng Nguyên Học nhận được các quyền lợi kèm theo do doanh nghiệp chi trả. Cụ thể, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Dược Hậu Giang, tổng thù lao cho HĐQT, BKS và cộng tác viên trong năm 2014 là 5 tỷ đồng. Tuy Dược Hậu Giang không công bố mức thù lao cụ thể cho từng người trong HĐQT, BKS nhưng tạm tính theo phương pháp cào bằng thì mỗi thành viên lãnh đạo Dược Hậu Giang cũng đã nhận được “nhiều trăm triệu đồng” trong năm 2014. Riêng cá nhân ông Học, với cương vị Chủ tịch HĐQT mà mình đang nắm giữ, con số thù lao có lẽ sẽ còn cao hơn.
Ông Lê Song Lai – Phó Tổng Giám đốc SCIC, đồng thời là thành viên HĐQT Vinamilk, Chủ tịch HĐQT Vinare, thành viên HĐQT Bảo Minh và ủy viên HĐQT FPT. Chỉ riêng tại Vinamilk, thù lao cho thành viên HĐQT năm 2015 là ~4,9 tỷ đồng. Nếu cũng tính cào bằng chia ra cho 6 người thuộc HĐQT và Ban điều hành thì ông Lai nhận được khoảng 800 triệu / năm. Còn tại Vinare và FPT tính tương tự vậy ông Lai cũng nhận được thêm không ít hơn 700 triệu / 1 năm.
Với thù lao HĐQT ở các doanh nghiệp, lãnh đạo SCIC đang duy trì chế độ “một cán bộ, hưởng vài lương”, mặc cho vấn đề này đã bị quốc hội và Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ vào năm 2009-2010.
Rõ ràng đang có một sự bất cập rất lớn giữa trách nhiệm của SCIC trong vai trò một công ty quản lý vốn, và sử dụng quyền cầm vốn. Một điều không thể chối cãi rằng những cá nhân đại diện của SCIC đang hưởng lợi từ vị trí họ được phân trong HĐQT ở doanh nghiệp, trong khi trách nhiệm cũng như hiệu quả công việc của họ lại khá mù mờ.
Traphaco có thể là “nạn nhân” đầu tiên mùa ĐHCĐ năm nay
Sắp tới đây nhất là đại hội cổ đông của công ty dược Traphaco ngày 30/3. Với những thành tích phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Traphaco lại được SCIC "ưu ái" nhắm đến. Và trên thực tế, đã có thông tin rằng SCIC có thể sẽ tiếp tục sử dụng chiêu can thiệp thô bạo dựa trên số phiếu đại diện vốn để bổ nhiệm người của mình vào thay thế bà Vũ Thị Thuận ở vị trí chủ tịch HĐQT. Là người đã dẫn dắt Traphaco phát triển thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dược, việc thay thế bà Thuận sẽ đem lại nhiều rủi ro cho Traphaco và gây ảnh hưởng đến các cổ đông khác.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, tỷ lệ vốn của SCIC tại Traphaco đã được chốt cứng ở mức 35,6% và trở thành lá chắn bảo vệ quyền lợi cho SCIC. Mặc dù là doanh nghiệp dược lớn, nhưng từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2011 đến nay, Traphaco chưa một lần tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu. Nguyên nhân là do không có được sự đồng thuận từ phía cổ đông Nhà nước. SCIC không muốn Traphaco tăng vốn vì như vậy, tỷ lệ sở hữu 35,6% của SCIC sẽ giảm xuống một mức khác và cổ đông này mất quyền phủ quyết.
Đỉnh điểm của sự trói buộc là năm 2014, 62% cổ đông của Traphaco, bao gồm cả 2 cổ đông lớn nước ngoài là Mekong Capital và Vietnam Holdings, đều thống nhất việc nâng tỷ lệ sở hữu của Traphaco lên 90% tại Công ty CP Công nghệ cao Traphaco (CNC).Tuy nhiên tỷ lệ 62% đã không có quyền định đoạt nhiều hơn 35,6% của SCIC khi cổ đông Nhà nước nhất quyết phủ quyết kế hoạch này.
Rõ ràng SCIC đã đặt “quyền của vốn” lên trên doanh nghiệp và chính “lợi tức” của SCIC. Trong việc can thiệt nhân sự, là người đã gắn bó cả cuộc đời mình cho sự phát triển của Traphaco, bà Thuận có bề dầy kinh nghiệm quản lý năng lực chuyên môn, cũng như tâm huyết mà người SCIC định cho thay thế bà trong HĐQT không thể có được.
Trong các quyết định giới thiệu người của SCIC, dư luận không thể quên được rằng tại ĐHCĐ Vinamilk năm 2013, SCIC giới thiệu ông Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT Ocean Bank lúc đó), với sự hậu thuẫn lên đến 45% cổ phần biểu quyết, vào vị trí thành viên HĐQT độc lập. Ông Hà Văn Thắm bị bắt vào giữa năm 2014 với tội danh "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Kể cả khi quả qua sự nghi ngờ về những “mờ ám” trong những quyết định này, uy tín của SCIC còn đâu?
Được thành lập năm 2006 với một mục đích rất lớn là đẩy mạnh sự hiệu quả của vốn đầu tư nhà nước, SCIC lại đang hành xử như một công ty nhà nước cũ kỹ với cách quản lý độc đoán và cửa quyền – hoàn toàn đi ngược lại với tiêu chí hiện đại hoá. Trong năm 2016, Kiểm Toán Nhà nước đã xác định sẽ thực hiện kiểm toán tại SCIC. Đã đến lúc những băn khoăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp và dư luận về hoạt động bổ nhiệm đại diện vốn của SCIC cần phải được làm sáng tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận