Giao lưu chia sẻ nỗi đau với người thân các nạn nhân tai nạn giao thông trong chương trình “Kết nối cộng đồng - Vì an toàn giao thông” tại Gia Lai |
Ủy ban ATGT Quốc gia vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Kết nối cộng đồng - Vì an toàn giao thông”, với thông điệp cùng chung tay nhằm giảm thiểu TNGT đối với Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Tại đây, nhiều nỗi đau do TNGT đã được mọi người cùng sẻ chia.
Đi vệ sinh nhờ nhà hàng xóm
Mẹ em Lý Thị Ngọc Hân (18 tuổi) nạn nhân trong một vụ TNGT kể: “Căn nhà trọ của gia đình thuê hơn 10 năm nay không có phòng vệ sinh. Bởi vậy, khi gia đình có người đi vệ sinh phải qua nhà hàng xóm xin đi nhờ. Cả nhà chỉ trông chờ vào quán ăn vặt trước trường tiểu học tại xã Đăk Yă. Bây giờ, con tôi bị thương dập cả hai chân, sau này chuyện đi vệ sinh của cháu sẽ cực biết bao. Lỡ lúc không có ai ở nhà đưa cháu đi, biết làm sao đây”.
Theo Công an huyện Mang Yang (Gia Lai), vụ TNGT khiến em Hân bị tàn tật xảy ra chiều tối 4/7. Sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia trở về nhà, Lân Xuân Cảnh (19 tuổi), trú tại xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang điều khiển xe mô tô BKS 81E1-071.45, chở phía sau Lý Thị Ngọc Hân, trú tại xã Đăk Yă, Mang Yang. Khi xe lưu thông đến Km18, QL19 đoạn qua thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, bất ngờ va chạm với xe ô tô tải đi ngược chiều BKS 77C-029.54 do Nguyễn Đức Hòa (44 tuổi) điều khiển.
Chương trình Kết nối cộng đồng – Vì ATGT đã trao 12 suất quà (mỗi suất 2 triệu đồng) cho các gia đình có người thân bị TNGT trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ban tổ chức chương trình cũng đã tặng 200 mũ bảo hiểm cho các Đội Thanh niên tình nguyện bảo đảm trật tự ATGT, Tổ tự quản ATGT; tặng quà cho 10 cựu chiến binh. Nhân dịp này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tặng bằng khen cho 4 tập thể và 1 cá nhân tiêu biểu trong phong trào bảo đảm ATGT. |
Hậu quả, Cảnh bị hất văng vào lề đường, gãy chân trái. Hân bị ngã trượt xuống gầm xe tải và bị chèn dập nát chân phải và một phần chân trái. Để cứu cô học trò này, các bác sĩ đã cắt đi của em một chân. Hiện, em đang được các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tận tình “cứu” chân còn lại.
Cô giáo Huỳnh Thị Loan (giáo viên chủ nhiệm lớp 12C7) chia sẻ: “Hân ngoan và năng động. Phong trào văn nghệ của trường, Hân đều hăng hái tham gia. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em thường đi làm thêm buổi tối. Cuối năm học lớp 12, trong một lần tâm sự tôi có hỏi Hân sau này thi đại học gì? Em cúi mặt, im lặng hồi lâu rồi nói: “Em ước sau này được làm cô giáo dạy nhạc. Nhưng nhà em khó khăn, em sợ học đại học sẽ tốn kém nên sẽ ở nhà phụ mẹ bán hàng. Năm sau em sẽ kiếm ngành gì đó để học nghề”, cô Loan kể lại.
Ước mơ của Hân sẽ dang dở khi không còn đôi chân lành lặn. Nỗi buồn hiện lên trong đôi mắt của cô gái vừa tròn 18 tuổi. Cái tuổi đầy những ước mơ, hoài bão và dự định cho tương lai. Vụ tai nạn khiến em tàn tật, tổn thương sức khoẻ và tinh thần quá lớn. Nhưng nặng nề hơn là các khoản tiền viện phí chữa trị đang khiến gia đình em đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Mồ côi sau TNGT
Đêm tổ chức chương trình “Kết nối cộng đồng – Vì an toàn giao thông”, tôi nhận ra em bé dân tộc Gia Rai tên Rơ Châm Nhung (7 tuổi, trú ở làng Tơ Vơn 2, xã Ia Khươl, Chư Păh, Gia Lai) đang được cô giáo Hồ Thị Lượng (Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai) ôm ngủ bên cạnh hai người chị gái. Trong giấc ngủ, thi thoảng em lại giật mình tỉnh giấc vì một âm thanh nào đó. Rơ Châm Nhung và hai người chị ruột là Rơ Châm Luynh (9 tuổi), Rơ Châm Nhac (8 tuổi) có bố và chị gái là nạn nhân vụ TNGT tối 27/11/2015 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Ia Khươl, huyện Chư Păh (Gia Lai). Hôm đó, tài xế Cao Đại Trọng (SN 1986, trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) điều khiển xe ô tô BKS 81M-5781 chở gỗ cao su tông vào sau xe công nông do Rơ Châm Hung (SN 1988, làng Brép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) điều khiển chở theo 14 người.
Vụ TNGT khiến 5 người trên xe công nông đều là người đồng bào dân tộc tử vong và nhiều người khác bị thương. Trong số các nạn nhân xấu số tử vong có bố và chị gái của ba đứa trẻ là ông Rơ Châm Thưng và em Rơ Châm Luy (12 tuổi). Trước đó 3 tháng mẹ của các em đã qua đời do bị bệnh.
Cô giáo Hồ Thị Lượng (Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Làng Tơ Vơn nghèo nên chẳng ai có thể giúp các em. Bơ vơ, côi cút, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai đã đón các em về ở, chăm lo cho các em đặc biệt hơn những đứa trẻ khác ở đây. “Hồi mới về trung tâm, các em lầm lỳ, ít nói, tách khỏi mọi người. Đứa lớn ôm đứa nhỏ và đứa nhỏ ôm đứa nhỏ hơn. Các em oà khóc khi một trong ba đứa bỗng nhiên gọi tên cha, mẹ. Để chăm sóc các em, mỗi cô phụ trách phải ngủ lại ôm các cháu, dỗ dành khi giấc ngủ chưa tròn… Tôi không thể cầm được nước mắt khi ngủ mơ các em gọi mẹ, gọi cha” cô Lượng kể.
Một câu chuyện nữa khiến những ai nghe cũng phải bùi ngùi. Gia đình cháu Trần Đức Mong và cháu Trần Thì Yến từ Hải Dương vào lập nghiệp năm 2001. Năm 2003, bố 2 cháu (khi đó mới 37 tuổi) đã tử vong sau một vụ TNGT. Sau đó, 3 mẹ con đành dựng lều bên suối để tiếp tục cuộc sống. Mẹ cháu luôn khuyên 2 con cố gắng ăn học nên người. Tuy nhiên, đến năm 2013, khi người mẹ vừa tròn 37 tuổi cũng đã tử vong do TNGT, để lại 2 đứa con đang học lớp 10 và lớp 9. Hiện, 2 cháu đang được một người bà họ nhận nuôi dưỡng để tiếp tục đi học.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận