Chính trị

Sẽ có thêm gói 24.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp

26/07/2021, 06:39

Chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục làm việc, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Đã giải ngân 4.300 tỷ từ gói 26.000 tỷ

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành quy định về miễn giảm và hoàn thuế được 147.300 tỷ đồng; miễn 30 loại phí và lệ phí.

Đã đưa ra gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là 26.000 tỷ đồng và chi phí chống dịch là 5.156 tỷ đồng; đã xây dựng được quỹ vaccine là 8.300 tỷ đồng đến thời điểm hiện nay.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn phát biểu thảo luận chiều 25/7

Ngoài ra, đã chủ động chi 8.187 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua hai loại vaccine, khoảng 91 triệu liều. Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ chi 12.280 tỷ đồng nữa để mua vaccine.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ Covid-19 mới liên quan tới thuế, phí, khoảng 24.000 tỷ đồng. Hiện Bộ đang hoàn thiện và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 hướng dẫn thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đến ngày 1/1/2022 mới thi hành (thay vì ngày 1/8/2021 như trước đây).

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng triển khai trong năm 2020, đến nay đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó riêng về ngân sách, tiền mặt hỗ trợ trực tiếp là 13.000 tỷ đồng.

Riêng đợt dịch thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Qua 15 ngày triển khai, đã có 375.000 đơn vị sử dụng lao động, người lao động được hỗ trợ với kinh phí là 4.300 tỷ đồng. So với gói 62.000 tỷ đồng, các chính sách trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 thông thoáng về hồ sơ, giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian.

Đề cập những bài học chống dịch thời gian qua, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, đầu tiên là quyết liệt phòng, chống dịch nhưng không thái quá, cực đoan, gây khó khăn cho người dân, DN. Thứ hai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khắc phục tâm lý coi thường các quy định phòng, chống dịch.

Vaccine là động lực để kinh tế phục hồi

Nhấn mạnh các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường, ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cũng cho rằng, cần chuẩn bị những điều kiện và lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân. “Khi chúng ta có được tỷ lệ dân cư tiêm đủ 2 mũi vaccine thì đó sẽ là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay trở lại phục hồi”, ông Lộc nói.

Đáng chú ý, một số ĐBQH cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần đơn giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết, thống nhất áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau” giữa các cơ quan, địa phương.

Phát biểu giải trình tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, về tổng thể, các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan.

Liên quan đến chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, Việt Nam đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.

Cả nước đã tiêm được 4.455.986 liều trong tổng số 6.176.760 liều vaccine phân bổ 11 đợt (đạt 72,1%), trong đó có 4.077.099 người đã được tiêm 1 liều vaccine và 334.560 người tiêm đủ 2 liều vaccine.

Các địa phương đang tích cực chuẩn bị tiêm chủng 4.015.290 liều vaccine (4 đợt tiếp theo) vừa mới tiếp nhận từ ngày 12/7/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.