Cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất trái phép
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Bình cho biết, dự án đường ven biển có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp nên sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ, gây khó khăn cho các nhà thầu trong triển khai phương án thi công.
Cụ thể, hiện dự án đang gặp vướng mắc đối với các phạm vi có chuyển mục đích sử dụng rừng, trang trại nuôi trồng thủy sản. Công tác tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, di dời lăng mộ trên tuyến cũng chưa hoàn thành.
Đại diện nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công đoạn Km7 qua địa phận xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, đơn vị rất cần có thêm mặt bằng để triển khai thi công, tuy nhiên đến thời điểm này do chưa được bàn giao nên máy móc trên công trường phải điều đến công trình khác thi công.
Ngày 20/8, ông Trần Xuân Tình - Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn có nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng như nhà ở, công trình, ao hồ trang trại nuôi trồng thủy sản để thi công dự án đường ven biển đoạn qua địa bàn.
Trước đó, vào ngày 9/8 huyện Quảng Ninh đã ra thông báo về kế hoạch tổ chức cưỡng chế buộc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai tại xã Hải Ninh.
Theo đó, trên địa bàn xã Hải Ninh có 4 hộ dân có diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản lấn chiếm đất, sử dụng sai mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình mà trước đó địa phương đã ra văn bản xử phạt vi hành chính buộc tháo dỡ.
Ông Trần Xuân Tình cho biết sau khi tiếp tục tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng. Đến thời điểm này, chỉ còn lại 4 hộ dân chưa chấp hành. Những hộ dân này đã được cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không chấp hành quyết định thu hồi đất, bàn giao mặt bằng.
"Hiện, có 1 hộ đã chấp hành tháo dỡ công trình lấn chiếm để bàn giao cho nhà thầu thi công. Nếu được bàn giao, công địa thi công của nhà thầu sẽ được thi công thông suốt từ Km 7+500 đến Km9", đại diện nhà thầu Sơn Hải cho biết.
Rốt ráo tìm phương án xử lý
Theo thống kê, thực hiện dự án Đường ven biển, toàn tỉnh Quảng Bình có 22 hộ, tổ chức có trang trại nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án, với tổng diện tích tính theo chiều dài khoảng 5km.
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, gần 2 năm qua, các địa phương, sở, ngành rất khó khăn trong việc định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ NTTS vì chưa có trong bảng giá của tỉnh.
Ngoài ra các thiết bị, máy móc do người dân, chủ hộ nuôi tự nghiên cứu, áp dụng các mô hình, công nghệ, đối tượng nuôi khác nhau, trải qua nhiều thời kỳ, không có tiêu chuẩn, quy trình chung nào được sử dụng càng khiến cho việc định giá khó khăn hơn.
Trước thực trạng trên, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã lên phương án thành lập Hội đồng thẩm định tính liên hoàn tài sản bị ảnh hưởng trong và ngoài phạm vi GPMB của dự án.
Đối với việc định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ NTTS không có trong bảng giá đền bù, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư và các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng thẩm định giá tài sản bồi thường GPMB của dự án.
Thời gian tới, với việc thành lập các Hội đồng thẩm định giá, những vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB đối với các trang trại NTTS sẽ được tháo gỡ, nhằm bàn giao nhanh mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án.
Dự án đường ven biển của tỉnh Quảng Bình do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 24/1/2022, với 3 đoạn tuyến có tổng chiều dài 80km, gồm: Đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc dài 21,9km; đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,5km và đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 42,6km.
Dự án Đường ven biển có 54 hộ thuộc diện tái định cư (TĐC). Dự án đã bố trí 4 khu TĐC với tổng mức đầu tư là 82 tỷ đồng, trong đó huyện Quảng Trạch 1 khu TĐC, huyện Bố Trạch 1 khu TĐC và huyện Lệ Thủy có 2 khu TĐC.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận