Lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH về phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Sáng nay (11/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 kỳ họp thứ 7 vào cuối tháng 6 này.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật TTATGT đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí về quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu nồng độ cồn và một số ý kiến khác đề nghị đưa hai phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại kỳ họp thứ 7 cũng có một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
"Nhưng với văn hóa của mình thì việc cấm tuyệt đối sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn", ông Trần Quang Phương nhìn nhận.
Ủng hộ đề xuất của cơ quan thẩm tra, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, thực tế quy định cấm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã phát huy tác dụng, hiện tiếp tục được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ĐBQH thống nhất.
Tuy vậy, ông cũng lưu ý, theo thống kê các ý kiến phát biểu trên hội trường thì một số ý kiến còn lăn tăn. Có 9 đại biểu phát biểu bày tỏ đồng tình với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn, trong khi có 7 đại biểu đề nghị lấy ý kiến ĐBQH, 3 đại biểu chọn phương án quy định ngưỡng chứ không cấm tuyệt đối.
Từ đó, ông Định cho rằng, có thể biểu quyết riêng vấn đề này khi thông qua luật, vì "nếu biểu quyết riêng và được Quốc hội thông qua thì hiệu lực sẽ tốt hơn".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua nghe các ý kiến thì thấy rằng nên lấy ý kiến ĐBQH bằng phiếu. Tuy nhiên, ông lưu ý, trong thiết kế phiếu xin ý kiến với 2 phương án, có thể thiết kế để ĐBQH thấy phương án nào thuận nhất, có lợi nhất.
"Lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH là thể hiện sự tôn trọng, dân chủ. Vì đa số ĐBQH đồng ý nhưng vẫn còn 9 - 10 đại biểu còn lăn tăn", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Xử lý nghiêm nồng độ cồn, TNGT giảm rõ rệt
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định các ý kiến đóng góp của các đại biểu rất chất lượng, quan trọng đối với dự án Luật TTATGT đường bộ.
"Chúng tôi sẽ tiếp thu tối đa, tiếp tục hoàn thiện để dự án luật trình Quốc hội phiên họp tới có chất lượng cao nhất", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Về quy định cấm người điều khiển phương tiện trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu rõ: "Bằng kinh nghiệm chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT, tôi tha thiết đề nghị các đồng chí để 1 phương án là nồng độ cồn bằng 0 để đảm bảo sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân".
Ông Long cũng cho biết, nhờ xử lý nghiêm nồng độ cồn, nên năm 2023, toàn quốc giảm gần 2.000 người tử vong do tai nạn giao thông so với năm 2022. Nhờ đó, hàng nghìn gia đình không mất người thân, hàng nghìn trẻ em không bị mồ côi, bố mẹ không bị mất con.
"Khi chúng tôi chỉ đạo quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn thì tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt như vậy nên chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ phương án nồng độ cồn bằng 0", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long mong mỏi.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Liên quan quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, qua thảo luận, có nhiều ý kiến nhất trí quy định này. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, quy định trên được kế thừa Luật Giao thông đường bộ 2008 và thống nhất với quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Vẫn theo ông Tới, tại lần thảo luận thứ nhất ở kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn.
"Không có đoàn đại biểu Quốc hội nào đề nghị lấy ý kiến ĐBQH hai phương án về nội dung này", ông Tới nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Tấn Tới, nếu không tiếp tục quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận