Hiện có khoảng hơn 40 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH so với năm 2017 |
Vì sao chưa thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện?
Tính đến hết tháng 10/2018, cả nước có 251.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình... Trong đó, tỉnh Hải Dương đang đứng đầu với 10.870 người tăng mới… Tuy nhiên, hiện có khoảng hơn 40 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2017.
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách, thu nhập còn thấp và không ổn định; nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già. BHXH chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý thu… Theo ông Liệu, kế hoạch từ nay đến hết năm 2018, toàn ngành cần phát triển 141.730 người tham gia. Đây được xem là nhiệm vụ khá khó khăn đối với các địa phương.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định, Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện ở nước ta từ ngày 1/1/2008, áp dụng đối với người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách BHXH tự nguyện ra đời được sự đón nhận tích cực của người dân, đặc biệt là những người đã gần hết tuổi lao động, nhưng chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Đến hết năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là 227.506 người; số thu BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2015-2017 đạt bình quân trên 1.000 tỉ đồng/năm. Tính đến 31/12/2017, cơ quan BHXH đang chi trả chế độ hàng tháng cho khoảng 24.000 người tham gia BHXH tự nguyện, với số tiền 770 tỉ đồng/tháng. Những trường hợp này đều đã từng có thời gian tham gia BHXH bắt buộc.
Cũng theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là số đối tượng tham gia còn thấp (hiện mới chiếm khoảng 0,45% so với lực lượng lao động). Tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, là do một số nguyên nhân như:
Chính sách BHXH tự nguyện tính hấp dẫn chưa cao, nhất là trong bối cảnh đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện là người lao động thuộc khu vực phi chính thức, tính chất công việc không ổn định, thu nhập thấp; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mức hỗ trợ từ ngân sách còn thấp.
Tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng do chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn đối với các đại lý thu BHXH như với sản phẩm bảo hiểm thương mại; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH mặc dù đã có những bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận thông tin về BHXH, đăng ký tham gia; các phương pháp giao dịch, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi.
Sẽ tăng mức hỗ trợ phù hợp cùng nhiều giải pháp
Trước những hạn chế trên, vừa qua, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%.
Để đạt được mục tiêu Trung ương đã đề ra, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước; thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của nhà nước (ví dụ, ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh); giao chỉ tiêu phát triển tham gia BHXH cho các địa phương; chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu BHXH tự nguyện; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác thu BHXH tự nguyện; đẩy mạnh việc thực hiện thu và chi BHXH tự nguyện qua ngân hàng; đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ.
Về phía cơ quan BHXH Việt Nam, ông Liệu cũng cho biết, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng. Đồng thời, BHXH sẽ đưa ra nhiều gói tỷ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài. Bên cạnh đó, là tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận