Tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ, liên quan đến quy định về cấp, cấp lại, đổi và thu hồi GPLX, người vi phạm sẽ bị thu hồi GPLX trong 3 trường hợp. Nếu muốn được cấp lại, người vi phạm phải học và thi lại. Đây được coi là chế tài mạnh để ngăn ngừa vi phạm giao thông.
Ba trường hợp bị thu bằng lái
Theo đó, người vi phạm sẽ bị thu hồi GPLX trong 3 trường hợp sau: GPLX bị tước quyền sử dụng từ 4 lần trở lên trong thời gian 3 năm hoặc có tổng thời gian bị tước quyền sử dụng trên 24 tháng; người lái xe vi phạm các quy định của pháp luật về GTĐB để xảy ra tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên (làm chết 1 người trở lên, hay làm bị thương 2 người và sức khỏe bị tổn hại trên 60%).
Người có GPLX vi phạm các trường hợp trên, nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải được sát hạch lại sau thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền với hình thức thu hồi, tước quyền sử dụng GPLX.
Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ VN, việc này cũng tương tự như đề xuất tính điểm để xử lý vi phạm của tài xế, không phát sinh thêm thủ tục. Hình thức này không chỉ phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức của người lái xe mà còn hơn hẳn việc chấm điểm như một số nước đang thực hiện khi phải thêm phần mềm, thủ tục mới.
Để theo dõi số lần vi phạm của người lái xe, hiện Tổng cục Đường bộ VN và Cục CSGT (Bộ Công an) đang quản lý dữ liệu GPLX. Theo đó, tài xế nào vi phạm sẽ được cập nhật vào phần mềm quản lý vi phạm này. “Dự luật lần này cũng bổ sung quy định theo dõi số lần vi phạm hành chính và số lần gây tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng của người lái xe trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX để thu hồi”, ông Thống nói và cho biết, tới đây người dân có thể theo dõi số lần bị tước GPLX qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ VN.
Quy định buộc tài xế bị tước giấy phép lái xe nhiều lần phải học và thi lại đang nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận. Bởi lâu nay, quá trình xử phạt rất ít khi lực lượng chức năng truy xuất lại được lịch sử vi phạm của từng tài xế.
Ủng hộ cần có chế tài nặng để răn đe, phòng ngừa, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, vi phạm giao thông thường có hai nguyên nhân chính: Do không nắm đầy đủ kiến thức pháp luật về ATGT và do ý thức chấp hành pháp luật không tốt. “Nếu do một trong hai nguyên nhân nêu trên dẫn đến tai nạn thì việc thu hồi bằng lái đều có tác dụng. Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm đến mức phải tước bằng lái 4 lần trong 3 năm hoặc có tổng lần tước bằng lái trên 24 tháng… không nhiều, chỉ là cá biệt, nhưng vẫn cần chế tài mạnh với bộ phận này”, ông Quyền nêu quan điểm.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, hiện đã có cơ sở dữ liệu về xử phạt, qua đó sẽ biết được các lái xe đã bị xử phạt bao nhiêu lần, hình thức nào, phạt bao nhiêu tiền, bao nhiêu lần bị tước GPLX... “Khi lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ có kết luận, nếu lỗi do lái xe gây ra và làm chết người sẽ bị khởi tố. Trong suốt thời gian này, lái xe không được hành nghề nên hoàn toàn có thể thu hồi GPLX cho đến khi người đó chấp hành án xong, phải học và thi lại để được cấp GPLX”, ông Hùng nói.
Cần cơ sở dữ liệu quốc gia về ATGT
Nghị định 100/2019 quy định 61 hành vi vi phạm mà ngoài bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước GPLX từ 1 - 24 tháng. Trong đó, có 4 hành vi vi phạm bị tước GPLX từ 22 - 24 tháng như: Điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở); trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy.
Quy định như trong dự thảo Luật GTĐB là rất cần thiết, chắc chắn sẽ tạo được tính răn đe. Dù đã có quy định tước GPLX với thời hạn lên đến 1 năm, song hết thời hạn đó thì tài xế vẫn được phép lái. Với quy định thu hồi bằng lái lần này, câu chuyện sẽ khác hơn rất nhiều. Thực tế, có những người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật rất kém, vi phạm hết lần này tới lần khác, có tính hệ thống. Việc thu hồi bằng lái, buộc phải học và thi lại chắc chắn sẽ khiến nhiều người biết sợ.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
TS. Phan Lê Bình, giảng viên trường Đại học Việt - Nhật nhìn nhận, điều này cho thấy, để bị tước GPLX đến 24 tháng, tài xế ít nhất có 2 lần vi phạm lỗi bị tước GPLX, trong đó có 1 lỗi bị tước GPLX với thời gian dài nhất. Khi họ cố tình vi phạm những lỗi này một cách liên tiếp, thì quy định buộc phải học lại, thi lại sẽ trở thành “tấm chắn” loại dần những tài xế coi thường pháp luật.
Tuy nhiên ông Bình lo ngại, việc xây dựng hệ thống dữ liệu về tình trạng vi phạm của lái xe để buộc tài xế học lại, thi lại có lẽ là chưa đủ. Yêu cầu về một hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT chia sẻ, dùng chung cho các cơ quan quản lý đã được đặt ra từ lâu. Dữ liệu này không chỉ gồm tình trạng vi phạm của tài xế, mà bao gồm cả phương tiện và người lái, đến điều kiện hạ tầng và thực trạng TNGT.
Có một kinh nghiệm hay mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện, đó là mô hình lái xe càng lái an toàn thì càng được giảm mức đóng bảo hiểm. Ngược lại, những tài xế nào có vi phạm, có tiền sử gây tai nạn hoặc vi phạm giao thông nhiều thì phải đóng mức bảo hiểm cao hơn chứ không phải cào bằng như ở ta hiện nay.
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trong khi tại Việt Nam mới dừng ở mức đền bù thiệt hại, thì thế giới đã tiến rất xa, dùng mức bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự như một công cụ kinh tế để điều tiết hành vi tham gia giao thông. Việc quy định mức đóng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự thay đổi theo mức độ rủi ro của phương tiện, người lái, môi trường và theo lịch sử vi phạm trật tự ATGT của người lái.
Theo ông Minh, phần lớn các quốc gia phát triển, ngoài công cụ về hành chính và giáo dục, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự được sử dụng như một công cụ kinh tế rất quan trọng để khuyến khích hành vi lái xe an toàn (được hưởng mức bảo hiểm thấp), đồng thời là công cụ nhắc nhở cảnh báo các lái xe có hành vi vi phạm ATGT hoặc lái xe không an toàn (phải đóng mức bảo hiểm cao).
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, kinh nghiệm đó cũng chỉ có thể áp dụng khi cơ sở dữ liệu về vi phạm giao thông đã liên thông với bảo hiểm. Do vậy, để làm được điều này, dữ liệu xây dựng từ một ngành là không đủ và sẽ càng khó khăn nếu thiếu sự chia sẻ, dùng chung.
Ngoài ra, quy định buộc phải học lại, thi lại nếu bị tước bằng lái nhiều lần có thể triển khai và mang lại hiệu quả thì việc xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cũng cần có lộ trình cụ thể, tránh tình trạng quy định chờ dữ liệu.
Thế giới thực hiện thế nào?
Hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, nhà chức trách từ lâu đã áp dụng và duy trì hình phạt thu hồi, GPLX đối với các tài xế vi phạm luật khi tham gia giao thông.
Mỗi quốc gia lại có những chế tài khác nhau nhưng tựu chung lại cơ bản đều căn cứ vào mức độ vi phạm của tài xế để từ đó quyết định áp dụng việc tịch thu bằng lái xe có thời hạn hay vĩnh viễn.
Tại Trung Quốc, khi lái xe vi phạm nồng độ cồn ngay từ lần đầu tiên, ngoài phạt tiền, tài xế cũng sẽ bị tước bằng lái trong năm 5. Trong thời gian chấp hành án phạt, người đó cũng không thể tham dự bất cứ khóa đào tạo nào để được cấp lại bằng lái. Nếu vi phạm nồng độ cồn ở cấp độ nặng, có thể lĩnh án 3 năm tù kèm việc bị cấm lái xe trong ít nhất 10 năm.
Tại Anh, Australia, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Nam Phi, Singapore cũng duy trì rất nghiêm túc quy định tước bằng lái xe để đảm bảo an toàn giao thông. Việc tước bằng lái thường sẽ được áp dụng ngay đối với những vi phạm lần đầu tiên, đặc biệt là hành vi uống rượu, bia khi lái xe, vi phạm luật giao thông gây tai nạn nghiêm trọng (chết người). Bằng lái có thể bị “treo” từ 6 tháng, 1 năm, 5 năm, 10 năm hoặc bị cấm lái xe vĩnh viễn.
Hòa Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận