Bất cập quản lý đường thủy
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện tại, Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia. UBND cấp tỉnh và Sở GTVT thực hiện công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa địa phương.
Đáng chú ý, theo Cục Đường thủy, tình trạng bến thủy nội địa hoạt động không phép, hết hạn hoạt động còn tồn tại nhiều (có 1.150/6.429 bến thủy nội địa không phép, chiếm tỷ lệ 18%) do công tác kiểm tra xử lý vi phạm bến thủy nội địa hoạt động không phép chưa quyết liệt, triệt để, đặc biệt vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương còn hạn chế.
"Thời gian qua, Bộ GTVT đã ủy quyền công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa cho một số địa phương như Quảng Ninh, TP.HCM và một số tỉnh miền Trung nhưng phương án này chưa thực sự phát huy hiệu quả tối ưu khi chưa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách", Cục Đường thủy nội địa VN nhận định.
Theo đó, các tỉnh miền Trung (trừ Đà Nẵng) chưa thành lập tổ chức cảng vụ để thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT ủy quyền. Một số địa phương đã đề nghị Bộ GTVT chấm dứt việc thực hiện uỷ quyền và chuyển giao công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thuỷ nội địa về các cơ quan quản lý Trung ương thực hiện.
Còn các tỉnh Quảng Ninh, TP.HCM gặp khó khăn trong công tác thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa.
"Việc ủy quyền công tác quản lý cảng, bến vẫn mang tính xử lý sự vụ, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm, tính chủ động của địa phương, chưa đồng bộ trong phạm vi cả nước", Cục Đường thủy nội địa VN nhấn mạnh và cho rằng, việc xây dựng Thông tư quy định về phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là cần thiết, đảm bảo thực hiện theo các quy định về phân cấp quản lý các cảng, bến thủy nội địa.
Đồng thời, khắc phục những khó khăn trong thực tiễn công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, phát huy nguồn lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Không phân cấp các tuyến đường thủy nội địa giáp ranh hai tỉnh
Tại dự thảo Thông tư mới, Bộ GTVT phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu khi bảo đảm đáp ứng những điều kiện riêng.
Cụ thể, phải có tổ chức, bộ máy cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định tại Thông tư 18/2021 của Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa. Cùng đó, phải đảm bảo số lượng người lao động làm việc tại cảng vụ (bao gồm cả số người dự kiến tiếp nhận) có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và biên chế được phê duyệt theo quy định.
Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được phân cấp theo quy định.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh phải có văn bản đề nghị được phân cấp công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu thuộc trách nhiệm tổ chức quản lý của Bộ GTVT.
Dự thảo cũng nêu rõ, việc phân cấp sẽ về công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu theo quy định của Thông tư số 18/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.
Phạm vi phân cấp là cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên đường thủy nội địa địa phương.
Đặc biệt, không thực hiện phân cấp ở các tuyến đường thuỷ nội địa giáp ranh giữa hai tỉnh, thành phố trở lên, tuyến sông biên giới.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, việc quy định nguyên tắc triển khai đồng thời phân cấp cho các địa phương để tránh đan xen quản lý giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành ở Trung ương và địa phương gây khó khăn cho công tác quản lý khi địa bàn dàn trải, cách quãng, lãng phí nhân lực, vật lực, khó kiểm tra, theo dõi, xử lý, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận