Theo nhiều ý kiến, cần nghiên cứu để nâng tốc độ khai thác so với thiết kế trên các tuyến cao tốc hiện nay |
Chiều qua (4/5), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp liên quan đến quy định tốc độ trên đường bộ. Đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người dân, nhất là cánh lái xe, thường xuyên bị xử lý lỗi vi phạm tốc độ bởi những biển báo hạn chế tốc độ mà họ cho rằng "từ trên trời rơi xuống".
Cắm biển dựa vào kinh nghiệm…
Theo ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN), hiện nay, việc cắm biển hạn chế tốc độ khá tràn lan trên cả đường cũ và mới được xây dựng, nâng cấp. Đối với biển báo đã cắm trên các đường đang khai thác, đơn vị quản lý đường bộ với tâm lý ngại trách nhiệm, chưa cương quyết để rà soát, loại bỏ các biển báo không hợp lý do đơn vị thi công cắm phục vụ thi công hoặc điều kiện đường sá đã tốt hơn. Một số địa phương còn kiến nghị theo hướng gia tăng biển hạn chế tốc độ để đạt chỉ tiêu giảm TNGT mà không cần biết nguyên nhân thực sự của các vụ TNGT là gì. “Tình trạng trên đã gây ùn ứ, giảm khả năng khai thác, gây nhiều bức xúc trong xã hội”, ông Lăng nói.
Về các quy định cắm biển báo tốc độ hiện nay, ông Hoàng Thế Tùng, Vụ phó Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết: “Đến nay, việc cắm biển đang dựa trên quy định tại Thông tư số 13, trong đó chủ yếu dựa vào kinh nghiệm từ các nước xung quanh”.
Theo ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) trên một tuyến đường chỉ cần quy định tốc độ tối đa. Thực tế, các nước chỉ cắm biển tốc độ tối đa chung cho một tuyến đường chứ không thể đang ở tốc độ chung toàn tuyến là 80km/h lại có biển hạn chế 50km/h thì như là gây khó cho người đi đường...
Tốc độ thiết kế có phải là tốc độ tối đa?
Ông Vũ Ngọc Lăng cho biết, theo các tiêu chuẩn thiết kế đường bộ hiện nay, tốc độ thiết kế dùng để tính toán các yếu tố hình học ở các vị trí có địa hình khó khăn, cá biệt. Tốc độ tính toán chỉ phục vụ cho người thiết kế và cơ quan đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng. Tốc độ thiết kế đường trái ngược với khái niệm về công suất cực đại của máy móc, động cơ.
“Tốc độ thiết kế lớn nhất của ô tô ghi trên đồng hồ công-tơ-mét là 200km/h thì khi sử dụng, chỉ trong điều kiện lý tưởng mới có thể đạt được tốc độ tối đa 200km/h, còn thông thường là nhỏ hơn. Tuy nhiên, tốc độ thiết kế đường trái ngược, đó chính là tốc độ tham gia giao thông ở những chỗ khó khăn nhất”, ông Lăng phân tích.
"Thực tế đường cao tốc hiện nay có những đoạn đường thẳng, yếu tố hình học đạt, độ nhám bảo đảm đáng lẽ chạy được 120km/h nhưng lại cắm biển 80km/h gây bức xúc cho lái xe và cần được điều chỉnh hợp lý. Cần nghiên cứu phương thức cho xe chạy thử nghiệm để đưa ra tốc độ tối đa khi khai thác”. Thứ trưởng Bộ GTVT |
Trong khi đó, theo ông Vũ Sỹ Quý, chuyên viên Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN), một số nước như Mỹ, Đan Mạch sử dụng khái niệm 85% số xe chạy bằng hoặc nhỏ hơn tốc độ đó trong khoảng thời gian khảo sát thí điểm. “Tốc độ 85%” trong điều kiện không bị cản trở giao thông, điều kiện bình thường này sẽ được sử dụng làm tốc độ tối đa tại đoạn đường đó.
“Hiện Thông tư 13 đang khiến các cơ quan quản lý đường bộ lúng túng vì không biết cắm biển tốc độ bao nhiêu vì họ không tìm ra giá trị đó. Chẳng hạn như việc cắm biển báo tốc độ 40km/h là dựa trên cơ sở nào thì không có. Vì thế cần áp dụng quy định “tốc độ 85%” để có cơ sở thực tế, khách quan nhất”, ông Quý đề xuất và cho biết, thực tế, Tổng cục Đường bộ VN đã đề xuất cho phép khai thác đoạn từ cầu Nhật Tân đến đoạn cầu sông Kiếp (Hà Nội) được tách riêng xe máy, đường thẳng, quy mô lớn được khai thác tốc độ 100km/h.
Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đồng tình với việc cần nghiên cứu để có những quy định điều chỉnh tốc độ theo hướng tăng lên và phù hợp với từng đoạn, tuyến khác nhau. Theo ông Nguyễn Quốc Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN), quy định tốc độ trên các tuyến cao tốc hiện nay cần tăng lên, thấp nhất là bằng tốc độ thiết kế.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tập trung nghiên cứu để sửa quy định về tốc độ tại Thông tư số 13 theo hướng khách quan để giải quyết những tồn tại, bất cập, làm sao vừa phải kết hợp giữa an toàn và năng lực khai thác. Một số điều khoản quy định phải là cơ sở để sau này thực hiện thẩm tra ATGT, thiết kế, thi công, trước khi đưa vào khai thác. Đặc biệt, cần phải quy định tốc độ tối đa để sau đó có hướng dẫn cắm biển báo tốc độ. Khi nghiên cứu một phương án cắm biển tốc độ tối đa, cũng có biển cảnh báo nguy hiểm để hạn chế tốc độ chứ không cắm biển hạn chế tốc độ một cách tràn lan như hiện nay...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận