Nhiều chỉ số tăng ấn tượng
Tính đến hết 31/12/2022 Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Trong đó, nổi bật là tổng tài sản đạt 231.423 tỷ đồng, tăng 9,34% so với năm 2021.
Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 1,83% và 18,1%, cho thấy hiệu quả hoạt động của SeABank nằm trong top cao của hệ thống ngân hàng.
SeABank đạt lợi nhuận trước thuế gần 5.069 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch lợi nhuận năm 2022
Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát hiệu quả thu chi, tích cực xử lý nợ xấu và tăng cường quản trị rủi ro nên tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tiếp tục giảm xuống 35,3% và tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,60%.
Đặc biệt, thu thuần ngoài lãi (NOII) tăng ấn tượng 43% so với năm 2021 (đạt 2.641 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng doanh thu), cho thấy hiệu quả hoạt động ổn định và bên vững của SeABank nhờ đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm, phát triển ngân hàng số cũng như các dịch vụ phi tín dụng, khai thác hiệu quả tệp khách hàng hiện hữu và phát triển mạng lưới khách hàng mới trên thị trường.
Những chỉ số tích cực này đã giúp SeABank đạt lợi nhuận trước thuế gần 5.069 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Bên cạnh đó, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng và đang trong lộ trình tăng vốn lên 20.403 tỷ đồng, một phần thông qua chương trình ESOP cho hơn 2.500 cán bộ nhân viên (CBNV) có nhiều đóng góp.
Nỗ lực không ngừng
Năm 2022, SeABank không ngừng triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động ngân hàng, tiêu biểu là triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel III, áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) và được Moody’s xếp hạng Ba cho nhiều danh mục.
SeABank cũng thành công mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư quốc tế và thu hút nhiều khoản đầu tư, gói tín dụng với tổng giá trị lên tới 500 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các quỹ đầu tư quốc tế để nâng cao năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ tín dụng xanh.
Chiến lược “Hội tụ số” đang được SeABank đẩy mạnh cũng đã đem lại nhiều hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng. Cụ thể, SeABank đã tập trung số hóa sản phẩm dịch vụ, quy trình nghiệp vụ, hướng tới tự động hóa, đơn giản hóa quy trình làm việc cho cán bộ nhân viên qua các phần mềm: Hệ thống văn phòng điện tử SeAOffice, hệ thống giao dịch tự động tại quầy SeATeller, trợ lý ảo FPT.AI tự động nhắc nợ và gia hạn sổ tiết kiệm, ứng dụng ngân hàng số SeAMobile cho khách hàng cá nhân và SeAMobile Biz cho khách hàng doanh nghiệp…
Bên cạnh đó SeABank cũng ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, công nghệ điện toán đám mây Google Cloud, máy học (ML) để xây dựng các ứng dụng đáp ứng kinh doanh, giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo sự nhanh chóng, thuận tiện cho nhân viên và khách hàng.
Đặc biệt, năm 2022 tăng trưởng người dùng ebank của SeABank cũng đạt mốc ấn tượng với 941.608 user mở mới.
Trong năm 2022, SeABank cũng không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch của ngân hàng lên 180 điểm tại 31 tỉnh thành trên toàn quốc.
Những nỗ lực, thành tựu của SeABank năm 2022 được ghi dấu bằng loạt giải thưởng: Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022, “Top 1000 Ngân hàng thế giới 2022”, “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2022”, “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 2022”, Top 50 Doanh nghiệp có lợi nhuận xuất sắc Việt Nam năm 2022 và Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Profit500 (Vietnam Report)… ghi nhận uy tín thương hiệu và sự bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ của ngân hàng trong năm vừa qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận